Trong một video được đăng tải trên Fanpage của Shark Tank Việt Nam ngày 26/6/2024, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – người được biết đến với biệt danh “vua cà phê” đã có những chia sẻ sâu sắc về tinh thần khởi nghiệp để tạo nên một “đế chế” Trung Nguyên lớn mạnh như hiện tại. Ông khẳng định: “Một đất nước muốn hùng mạnh phải thượng tôn tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp”.
Vua cà phê chia sẻ 5 yếu tố không thể thiếu của hành trình khởi nghiệp
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chia sẻ rằng công thức thành công của ông dựa trên 5 yếu tố cốt lõi, đồng thời ông cũng định nghĩa lại về ”nghĩ giàu và làm giàu”, theo ông “nghĩ giàu và làm giàu ở đây đã vượt qua vấn đề giàu có về tài chính mà còn là bài học làm người”.
Đầu tiên, người khởi nghiệp cần có khát vọng và ước mơ lớn. Theo ông, đây là điểm khởi đầu quan trọng nhất cho bất kỳ hành trình kinh doanh nào. Không có khát vọng, bạn sẽ không có động lực để tiến lên và vượt qua những khó khăn.
Yếu tố thứ hai, cũng là yếu tố quan trọng nhất theo ông Vũ, chính là lựa chọn đúng giữa năng lực lõi của bản thân và nhu cầu của thị trường. “Bạn phải biết mình giỏi cái gì, đam mê cái gì và điều đó có mang lại giá trị lớn nhất hay không” – ông nhấn mạnh. Đây chính là điểm mấu chốt để một doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và lâu dài.
Thứ ba, kế hoạch hoàn hảo là yếu tố không thể thiếu. Một ý tưởng tốt cần phải phù hợp với thị trường, phù hợp với năng lực của bản thân và có khả năng hiện thực hóa. Chỉ khi kết hợp được ba yếu tố này, doanh nghiệp mới có thể đạt được thành công.
Thứ tư, người khởi nghiệp cần có khả năng kết nối và thuyết phục các nguồn lực để thực hiện kế hoạch. Điều này đòi hỏi sự khéo léo trong việc vận dụng khoa học và nghệ thuật quản lý để huy động được sự hỗ trợ cần thiết từ đối tác, nhà đầu tư, và cả nhân sự.
Yếu tố cuối cùng mà ông Vũ đề cập chính là năng lực vượt qua thất bại. Theo ông, việc thất bại là điều không thể tránh khỏi trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, những người biết học hỏi từ thất bại và kiên trì tiến lên sẽ hạn chế được rủi ro và gia tăng cơ hội thành công.
Từ giấc mơ của chàng sinh viên y khoa đến đế chế cà phê Trung Nguyên
Đặng Lê Nguyễn Vũ sinh năm 1971 tại Khánh Hòa nhưng lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Mặc dù đã đỗ vào Đại học Y khoa, nhưng ông luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu và khát khao đổi đời. Chính khát vọng này cùng tâm huyết với hạt cà phê đã thôi thúc ông đưa ra quyết định làm thay đổi cả cuộc đời của ông cũng như ngành cà phê Việt Nam.
Năm 1996, ở tuổi 25, ông cùng ba người bạn thành lập hãng cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, những ngày đầu khởi nghiệp không hề dễ dàng. Sau khi mở rộng thị trường đến Long Xuyên và TP.HCM, ông nhanh chóng đối mặt với thất bại và gần như cạn vốn.
>> Mô hình nhượng quyền Trung Nguyên E-Coffee của ông Đặng Lê Nguyên Vũ ‘gây bão’, mở mới 30 cửa hàng/tháng
Để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, ông Vũ thậm chí đã phải mượn xe của một người bạn để bán đi lấy tiền làm vốn. Không nản chí, ông tìm kiếm những quán cà phê nổi tiếng để học hỏi bí quyết rang xay cà phê ngon. Thành công đến vào tháng 8/1998 khi ông khai trương quán cà phê đầu tiên tại TP. HCM. Với chiến lược phục vụ cà phê miễn phí trong 10 ngày, ông nhanh chóng thu hút được khách hàng và từ đó, tên tuổi của Trung Nguyên bắt đầu được biết đến.
Truyền lửa ‘khởi nghiệp’ cho hàng triệu thanh niên Việt Nam cùng tham vọng chinh phục thị trường quốc tế của Trung Nguyên
Một trong những bước ngoặt lớn của Trung Nguyên là khi tham gia vào thị trường cà phê hòa tan với thương hiệu G7 vào cuối năm 2003. Chỉ trong thời gian ngắn, G7 đã nhanh chóng trở thành một trong ba thương hiệu cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam, mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Trung Nguyên. Năm 2010, sản phẩm cà phê của Trung Nguyên xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Tới tháng 8/2019, Trung Nguyên E-Coffee – Hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ thế giới cà phê được Tập đoàn Trung Nguyên Legend chính thức ra mắt thị trường lần đầu tiên. Song song với đó, ông Vũ khởi động chiến dịch “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt” cùng “Tủ sách nền tảng đổi đời” gồm hơn 100 đầu sách quý được đích thân Chủ tịch Trung Nguyên trọn lọc. Tập đoàn cũng trao tặng hàng chục triệu cuốn sách Thanh niên Việt Nam.
Sau 5 năm phát triển, Trung Nguyên E-Coffee đã đạt được cột mốc quan trọng với 800 cửa hàng và 1.000 hợp đồng nhượng quyền thành công cả trong nước và quốc tế. Với chi phí nhượng quyền 0 đồng, đây là mô hình khởi nghiệp cà phê thành công nhất của Trung Nguyên Legend.
Cuối năm 2023, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại tiếp tục gây chấn động dư luận khi tuyên bố rằng mục tiêu của ông là đem về 1.000 tỷ USD cho Việt Nam, mỗi năm. Ông giải thích: “Phải có cái gì thì tôi mới nói vậy. 1.000 tỷ USD, chia cho 210 quốc gia, mỗi quốc gia chỉ cần kiếm 5 tỷ USD. Đó là mục tiêu tối thiểu, và không có gì là không thể”.
Bước đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng này là mở 1.000 quán cà phê tại Trung Quốc thông qua hình thức nhượng quyền. Tháng 9/2022, Trung Nguyên Legend đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải, đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược ”mở cõi” tại thị trường Trung Quốc.
Dù giấc mơ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ gặp nhiều hoài nghi, việc Trung Nguyên Legend đã có bước đi chiến lược tại thị trường nước ngoài không thể phủ nhận. Từ việc khai trương chuỗi cửa hàng tại Thượng Hải đến các kế hoạch mở rộng tại Mỹ, Australia, Canada, và các quốc gia Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, Trung Nguyên Legend vẫn đang từng bước khẳng định mình trên thị trường quốc tế.
Thực tế, tham vọng 1.000 cửa hàng cà phê hay 1.000 tỷ USD có thể là những mục tiêu rất xa vời và khó đạt được trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với những ‘kỳ tích’ ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra cùng sự đầu tư bài bản và tinh thần quyết tâm mạnh mẽ, giấc mơ siêu tham vọng này của Trung Nguyên Legend có thể chỉ mới bắt đầu.
>> Giấc mơ siêu tham vọng ‘1.000 tỷ USD’ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thực hiện được đến đâu?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/vua-ca-phe-dang-le-nguyen-vu-mot-dat-nuoc-muon-hung-manh-phai-thuong-ton-tinh-than-kinh-doanh-tinh-than-khoi-nghiep-166953.html