CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) đã cho ra mắt tổng cộng 4 Trung tâm tiêm chủng Long Châu với 2 cơ sở tại Tp.HCM và 2 cơ sở tại Hà Nội. Đây có thể xem là bước đi mới của FPT Retail trong việc mở rộng hoạt động mảng kinh doanh dược phẩm sau thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Trên thị trường, thị giá FRT gây chú ý khi liên tục tăng mạnh. Hiện, FRT đang giao dịch tại mức giá 96.000 đồng/cp, tăng gần gấp đôi từ đầu năm. Trong bối cảnh mảng ICT gặp khó, lợi nhuận bị “ăn mòn” bởi cuộc chiến hạ giá cùng các đại lý bán lẻ khác, thì động lực chính của FRT đến từ mảng dược, và “làn gió mới” trung tâm tiêm chủng vaccine.
Công ty vừa có thông báo chính thức về bước đi mới đáng chú ý này. Theo FPT Retail, về tiềm năng thị trường, hiện tỉ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam vào khoảng 4% dân số , trong khi nhiều nước khác trong khu vực là 15 – 30%, vì vậy tiềm năng mảng vaccine này còn nhiều. Nếu nâng cao được tỉ lệ tiêm vaccine lên, số ca trở nặng ở 1 số nhóm bệnh sẽ giảm đi đáng kể, vừa nâng cao được sức khoẻ cộng đồng và vừa tiết kiệm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh.
FPT Long Châu tham gia lĩnh vực tiêm chủng vaccine là sự kết hợp giữa phòng bệnh và chữa bệnh. Trong đó, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu phục vụ cho việc phòng bệnh, nhà thuốc FPT Long Châu phục vụ cho việc chữa bệnh.
Động thái này nằm trong mục tiêu chung của ngành nhằm tăng tỉ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam lên gấp đôi, gấp ba để ngang bằng với các nước láng giềng khác. Do đó, FPT Long Châu cho biết không chủ đích cạnh tranh trực diện vào miếng bánh 4% của các nhà cung cấp (NCC) đi trước, mà cùng thực hiện.
Về nguồn vaccine, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho biết đã nhận được sự hợp tác hỗ trợ trực tiếp từ các nhà cung cấp vaccine trong và ngoài nước ngay từ khi trung tâm tiêm chủng đầu tiên đi vào hoạt động. Hiện, FPT Long Châu cung cấp đầy đủ các chủng loại vaccine chính hãng, bao gồm vaccine nhập khẩu từ các hãng dược lớn trên thế giới đến nhập hàng vaccine của các nhà sản xuất nội địa.
Được biết, thị trường tiêm chủng ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công. Trong vòng 5 năm trở lại đây, cục diện thị trường đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng hơn cho việc chi trả các chi phí dự phòng bệnh tật, đặc biệt cho nhóm trẻ em, vốn là đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi xảy ra dịch bệnh.
Nhu cầu tiêm chủng lớn khiến các trung tâm tiêm chủng trở thành một thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Minh chứng là sự phát triển, nở rộ của các trung tâm tiêm chủng dịch vụ những năm gần đây.
Từ các bệnh viện tư nhân như Hồng Ngọc, Vimec, Medlatec,… cho đến các hệ thống phòng khám như Nhi đồng 315 nhận thấy tiềm năng của thị trường này và với cơ sở vật chất, nhân lực sẵn có đều tham gia chia lại “miếng bánh” tiêm chủng.
Bên cạnh đó là sự gia nhập một cách bài bản của các doanh nghiệp có hệ sinh thái kinh doanh thuốc. Những thương hiệu quen thuộc có thể kể tới như hệ thống VNVC của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) hay Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Phòng tiêm chủng dịch vụ SAFPO của AMV Group (tiền thân là CTCP Dược phẩm Đức Minh)…