Những ngày qua, trên khắp mạng xã hội Việt Nam lan truyền câu chuyện thương tâm về một chàng game thủ có nick name Mèo Béo, 21 tuổi, tự tử vì tình.
Được biết, chàng trai Trung Quốc này quen biết bạn gái qua mạng. Trong thời gian yêu nhau, chàng trai này đã tích cực ‘cày game’ kiếm tiền, ăn uống tằn tiện để dành tiền tiết kiệm để chiều bạn gái.
Để được gần bạn gái, chàng trai này thậm chí chuyển nơi làm việc tới Trùng Khánh (Trung Quốc, nơi ở của cô gái). Chỉ trong khoảng 2 năm yêu nhau, chàng trai này đã chu cấp cho cô gái số tiền lên đến 510.000 nhân dân tệ (gần 1,8 tỉ đồng).
Mặc dù nỗ lực chinh phục người yêu, song sự cô gắng của chàng trai không được đáp ứng.
Trước khi đi đến quyết định cực đoan, trong một cuộc hội thoại được lan truyền, chàng game thủ này từng chia sẻ: “Tôi không muốn ăn rau nữa, tôi muốn ăn McDonald’s cơ”.
Giữa lúc câu chuyện thương tâm về Mèo Béo lan truyền trên mạng xã hội. “Lợi dụng” việc này, McDonald’s Việt Nam liền tung ngay chương trình quảng cáo trên ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến với nội dung: “Không thích ăn rau thì ăn gà dính phô mai BBQ”.
Liên tiếp, trên trang fanpage của McDonald’s Việt Nam, hãng đồ ăn nhanh này cũng đăng tải bài viết quảng cáo chạy mã giảm giá với nội dung: “Thử xem nhà McDonald’s có đủ làm hài lòng chiếc bụng đang biểu tình của “mí fens” với combo này hong nhen”.
Ngay lập tức, McDonald’s bị cộng đồng mạng xã hội chỉ trích dữ dội, bởi nội dung quảng cáo “đu trend” phản cảm. Thậm chí, nhiều người còn quyết định “tẩy chay” thương hiệu đồ ăn nhanh này.
Động thái “câu khách” này của McDonald’s đã bị cư dân mạng liên tục “tấn công”, chỉ trích dữ dội vì dùng câu chuyện thương tâm để bắt trend phản cảm.
Chỉ chưa đầy 2 ngày, bài viết dùng câu chuyện Mèo Béo để PR sản phẩm của McDonald’s đã thu về khoảng 2.100 lượt bày tỏ cảm xúc, trong đó có tới hơn 1.800 lượt thả phẫn nộ.
Dưới bài đăng, nhiều bình luận chỉ trích như: “Vô nhân đạo. Tẩy chay!”.
Giữa làn sóng “ném đá” dữ dội, hiện phía McDonald’s Việt Nam đã đổi lại tên đồ ăn, chương trình giảm giá trên các ứng dụng bán đồ ăn trực tuyến, tuy nhiên dân cư mạng vẫn đang tiếp tục tràn vào fanpage của hãng tại Việt Nam để bày tỏ sự phẫn nộ.
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, ngay sau đó, tối 6/5, trên trang fanpage McDonald’s Việt Nam (có dấu tích xanh, 82 triệu lượt theo dõi) đã đăng bài xin lỗi vì quảng cáo ăn theo câu chuyện thương tâm của chàng game thủ Mèo Béo.
Trong bài xin lỗi của McDonald’s có viết: “Hôm nay, trên một số nền tảng giao hàng online của McDonald’s đã xuất hiện một số thông tin về chương trình và sản phẩm mới của McDonald’s với ngôn từ không phù hợp liên quan đến bạn Mèo Béo trong một bối cảnh nhạy cảm, tạo ra sự phản cảm, phiền lòng và nhận về sự khiển trách từ cộng đồng”.
McDonald’s cho biết, sau khi sự việc diễn ra, công ty đã nghiêm túc xem xét vấn đề và nhận thức được rằng việc đề cập đến các chủ đề nhạy cảm khi làm truyền thông không những gây tổn thương đến những người có liên quan mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng.
McDonald’s cũng gửi lời xin lỗi sâu sắc chân thành đến bạn Mèo Béo và gia đình, quý khách hàng, cộng đồng vì những phiền lòng và bức xúc mà nội dung chương trình đã gây ra. Đồng thời, tháo gỡ toàn bộ các nội dung gây bức xúc đang hiện diện ở tất cả các nền tảng.
Sau sự việc, McDonald’s cho hay sẽ thực hiện rà soát nghiêm khắc quy trình kiểm duyệt nội dung đồng thời kiểm điểm với các nhân sự nội bộ có liên quan, cũng như rút kinh nghiệm tránh để không xảy ra những trường hợp không đáng có sau này.
Qua câu chuyện này, một số ý kiến cho rằng dư luận đang phản ứng thái quá và không ít người đang a dua theo đám đông, song thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn có quyền yêu mến, ủng hộ hay tẩy chay bất cứ một thương hiệu , sản phẩm nào… khi thương hiệu đó vi phạm những nguyên tắc về giá trị văn hóa, đạo đức, pháp luật.
Trong việc này, McDonald’s Việt Nam may mắn vì đã kịp sửa sai để vớt vát lại lòng tin của khách hàng. Sai-sửa cũng là chuyện bình thường không có gì đáng nói, song từ câu chuyện này, vấn đề đặt ra và cần phải suy ngẫm chính là việc sự cấp thiết của việc cần hình thành văn hóa kinh doanh trong chính mỗi doanh nghiệp.
Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều câu chuyện đáng buồn xảy ra trên thương trường cho thấy, vấn đề đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp nếu không được coi trọng thì không ai khác chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi.
Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà đã bất chấp, đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng xây dựng được thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể chỉ vì một chút lợi nhuận trước mắt…
Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không còn chỉ đơn thuần là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hoá và đạo đức kinh doanh phải luôn luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình.
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, luôn hướng đến khách hàng với văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp trên thị trường.
Đặc biệt, muốn có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa, trước hết pháp luật phải có chế tài với những doanh nghiệp vi phạm, có xử lý được các vi phạm thì mới kêu gọi doanh nghiệp hành xử có văn hóa.
Nguồn tin: https://cafef.vn/mcdonalds-cau-khach-tu-cau-chuyen-thuong-tam-cua-meo-beo-nghi-ve-van-hoa-kinh-doanh-188240507161413946.chn