Thực trạng này được CEO Vietnam Airlines nêu lên khi nói về những thách thức trong chuỗi cung ứng tại tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023.
Hội nghị được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19 đến 21-9, do Vietnam Airlines đăng cai.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà (thứ 2 từ phải qua) cùng các diễn giả trong buổi tọa đàm
Theo ông Hà, việc thiếu các linh kiện thay thế khiến Vietnam Airlines rơi vào tình thế khó khăn, một số linh kiện để sản xuất ra phải mất từ 1 năm trở lên. Điều này dẫn đến việc các máy bay phải “nằm chờ” được sửa chữa vì máy bay không thể bay nếu không có động cơ.
“Hiện, Vietnam Airlines còn rất nhiều động cơ trong xưởng mà không có ngày hoàn thành sửa chữa chính xác, thời gian sửa chữa của xưởng nay đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Bên cạnh đó, Hãng cũng có một danh sách dài các động cơ chờ được sửa chữa. Việc tìm kiếm nguồn cho thuê động cơ với giá hợp lý hiện nay dường như cũng không thể. Đó là lý do Vietnam Airlines không thể tận dụng hết số máy bay mà hãng đang có”- ông Hà nêu thực trạng.
Để đạt được cam kết Net Zero (Mức phát thải ròng bằng không) vào năm 2050, năng lượng sạch được dự kiến sẽ đóng góp tới 85% mức giảm phát thải nhưng hiện chiếm chưa đến 0,15% lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng không toàn cầu.
Nguyên nhân là do nguồn cung còn hạn chế và giá thành cao.
Đứt gãy chuỗi cung ứng thiết bị bảo dưỡng cho công tác khai thác, an toàn bay cùng với sự thiếu hụt nhân lực trong ngành hàng không sau đại dịch COVID-19 là các thách thức được diễn giả và lãnh đạo hãng hàng không chỉ ra tại hội nghị.
Ông Stanley K Ng, Tổng giám đốc Philippine Airlines, nhìn nhận Philipinnes có tốc độ khôi phục thị trường hàng không thuộc top nhanh nhất sau đại dịch COVID-19 nhưng gặp khó khăn về nhân lực phi công, tiếp viên trong khi vẫn phải đáp ứng nhu cầu chuyến bay do nhu cầu đi lại tăng.
Thách thức với khai thác bay hiện nay được ông Stanley K Ng chỉ ra trong thời kỳ dịch COVID-19, bên cung cấp phụ tùng chưa thúc đẩy nguồn cung vì không biết khi nào mới kết thúc và nhà đầu tư dè chừng mua sắm. Tuy nhiên, đến nay, chuỗi cung cấp thiết bị phụ tùng hàng không đang có sự hồi phục, dần gỡ được điểm nghẽn và cần được ưu tiên cao nhất để đảm bảo công tác an toàn khai thác bay.
CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết thêm ngày nay chi phí kiếm phụ tùng thay thế cho các động cơ cao gấp 2 – 3 lần so với trước đại dịch.
Đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về chuỗi cung ứng, theo ông Lê Hồng Hà, các hãng hàng không cần nâng cao năng lực dự báo nhu cầu. Dự báo nhu cầu chính xác là rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng hết hàng hoặc tồn kho quá mức; triển khai các mô hình dự báo mạnh mẽ và sử dụng dữ liệu thời gian thực có thể giúp cải thiện độ chính xác.
Đồng thời, giữa các hãng bay với nhà cung cấp dịch vụ có thể tăng cường liên lạc và phối hợp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Thay vì giao máy bay mới, các nhà sản xuất nên hỗ trợ các hãng hàng không đảm bảo hoạt động của các máy bay hiện tại có đầy đủ động cơ và phụ tùng thay thế…
CEO Philippine Airlines cũng nhấn mạnh các bên cần hợp tác để bảo đảm nguồn cung cho toàn thế giới.
Đánh giá du lịch bằng đường hàng không đang có tốc độ phục hồi đáng kể vào năm 2023 nhưng tình hình ở châu Á-Thái Bình Dương chưa được khả quan, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân là do lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu hàng xuất khẩu bị suy giảm và chính sách mở cửa biên giới muộn của Trung Quốc khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực phục hồi chậm và không ổn định.
Đến nay, lượng khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam phục hồi 80% nhưng mức phục hồi trong nội vùng chưa đến 75%.
Ông Mark Searle, Giám đốc về an toàn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhấn mạnh giải pháp lớn nhất là giải pháp số, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững. Theo ông, cần sự ủng hộ của chính quyền để không chỉ mở khoá tiềm năng cho hàng không mà mở khoá cho việc đi lại của người dân.