Bất chấp những khó khăn từ căng thẳng cuộc chiến Nga – Ukraina, lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu… 2022 là một năm thành công trên mọi lĩnh vực của Traphaco.
Công ty đạt doanh thu 2.399 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 293 tỷ đồng, tăng trưởng kép 11% so với năm 2021. Những con số này đã đưa Traphaco nằm trong nhóm tăng trưởng tốt trên thị trường về doanh thu và lợi nhuận. Các chỉ tiêu về số đăng ký, phát triển sản phẩm mới và các chỉ tiêu khác đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, mảng Đông dược tiếp tục là bệ đỡ chỉ số với lợi thế từ sản phẩm chủ lực. Nhiều năm trên thị trường, mảng này theo ban lãnh đạo đã tương đối ổn định và được ví là “con bò sữa” của Traphaco.
Nhưng, Traphaco không dừng lại ở đó. Từ lợi thế mảng Đông dược, Traphaco sẽ đẩy mạnh mảng Tân dược, từ đó tạo ra các SKU cộng hưởng để mang lại giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp.
“Mảng Tân dược được kỳ vọng sẽ có cú bật mạnh mẽ, trở thành “gà đẻ trứng vàng” mới của Traphaco”, ban lãnh đạo Công ty khẳng định.
Từ năm 2021, mảng Tân dược đã được Traphaco chú trọng đầu tư đẩy mạnh thông qua dự án “Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh”. Đến nay, mảng Tân dược của Công ty đã có những nhóm sản phẩm đạt doanh số lớn như nhóm thuốc ho với doanh số trên 300 tỷ đồng/năm. Hiệu quả mảng Tân dược cũng đã được chứng minh khi năm 2022 Traphaco tăng 11% về doanh thu lên 1.000 tỷ đồng, triển khai được gần 20 sản phẩm mới, tăng 11% lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Năm 2023, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.600 tỷ, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 326 tỷ, lựa chọn thông điệp của năm: “Tốc độ và Số hóa, kết nối để thành công”. Riêng mảng Tân dược, Công ty sẽ hoàn thành chuyển giao công nghệ các sản phẩm giai đoạn 1 với đối tác Hàn Quốc. 2023 cũng là năm mảng Tân dược bước vào giai đoạn 3 của hoạt động chuyển giao công nghệ với đối tác Hàn Quốc.
Được biết, Daewoong là cổ đông của Traphaco từ năm 2018, thuộc Top 3 hãng dược lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD. Đối tác này đã hỗ trợ Traphaco từ việc lựa chọn nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho đến nghiên cứu và sản xuất thuốc, nhờ đó mà Công ty tiết kiệm về thời gian và giảm thiếu được chi phí nghiên cứu.
Ban lãnh đạo Traphaco cho biết các sản phẩm Tân dược sẽ tiếp nhận từ Daewoong và phân phối ra thị trường trong 2023 – 2024 là những sản phẩm xu thế (điều trị mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, kháng sinh). Bên cạnh đó, Công ty đang nghiên cứu việc nâng cấp nhà máy Traphaco Hưng Yên đạt tiêu chuẩn EU – GMP, nhằm đẩy mạnh doanh thu đóng góp kênh ETC từ 10% lên 12%.
Traphaco dự kiến mức tăng trưởng doanh thu trong 3-5 năm tới 13-15%. Trong đó, mảng Đông dược sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn khoảng 10%, trong khi đó mảng ngoài Đông dược sẽ tăng trưởng cao hơn khoảng 25% và là mảng Traphaco sẽ chú trọng đẩy mạnh trong dài hạn.
Để đạt được kế hoạch này, Traphaco còn chú trọng đầu tư về nhân lực nhiều hơn cho mảng ngoài Đông dược khi chia tách hơn 50% đội ngũ trình dược viên cho mảng này. Ngoài đối tác Hàn Quốc, Traphaco cũng tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các đối tác chiến lược để nhận chuyển giao, đa dạng dòng sản phẩm, phục vụ chiến lược phát triển sản phẩm Tân dược.
Theo kế hoạch, trong vòng 5 năm tới, Traphaco sẽ nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công hàng trăm sản phẩm mới, đem lại doanh thu ước tính 25 triệu USD (doanh thu tích lũy của các sản phẩm sau 5 năm triển khai thị trường).
Theo nghiên cứu của IMS, tiêu thụ thuốc của Việt Nam ở kênh OTC (thuốc không kê đơn) chỉ tăng nhẹ 3,6% CAGR trong 5 năm tới. Thay vào đó, doanh số kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) được dự phóng tăng trưởng mạnh 10,6% CAGR và chiếm chủ đạo 65% thị trường dược phẩm. Điều này phần nào cho thấy, chiến lược phát triển Tân dược và đẩy mạnh vào kênh ETC của Traphaco là thức thời sau nửa thế kỷ nắm giữ vị thế hàng đầu mảng Đông dược tại Việt Nam.