Ngày 29/3, CTCP Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 . Doanh nghiệp đã được cổ đông công ty thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thực hiện 2023; lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng, giảm 4,4%. Cổ tức năm 2024 dự kiến duy trì mức 30%.
Về kế hoạch đầu tư, doanh nghiệp dự kiến dành 500 tỷ đồng để xây dựng Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu và khảo sát để có giấy phép đầu tư cho dự án Alumin. Ngoài ra, công ty cũng sẽ dành 10 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp trữ lượng tại Khai trường 25.
Nhìn lại 2023, công ty ghi nhận doanh thu 9.748 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện năm trước; lãi sau thuế 3.241 tỷ đồng, giảm 46%. Nguyên nhân là thị thị trường phốt pho vàng không thuận lợi, cạnh trang trong và ngoài nước lớn, giá giảm nhanh, nhu cầu thấp hơn mọi năm. Còn các mặt hàng khác như phân bón, phụ gia thức ăn gia súc… giá cả ổn định, sản lượng có chiều hướng tăng.
Với kết quả kinh doanh 2023 cộng thêm cổ tức nhận được từ Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) và Ắc quy tia sáng (TSB), HĐQT Hóa chất Đức Giang cũng đã thông qua việc chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% (đã tạm ứng). Sau khi chia và trích các quỹ, lợi nhuận giữ lại đạt 5.634 tỷ đồng.
Tại đại hội, công ty cũng để ngỏ khả năng sáp nhập Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) vào tập đoàn vì lý do đóng thuế lớn, ngoài ra một số cổ đông của PAT cũng lo ngại về việc khả năng giảm cổ tức. Tuy nhiên ông Đào Hữu Huyền cũng muốn sáp nhập PAT vào Hóa chất Đức Giang để bộ máy được tinh gọn, tiết giảm chi phí.
Tại phiên thảo luận đại hội:
– Cổ đông: Xin quý công ty cập nhật KQKD quý 1/2024?
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang: Quý 1/2024 chúng ta thu về khoảng 3.000 tỷ doanh thu. Hơn 700 tỷ lợi nhuận. Tôi cho rằng chưa khả quan lắm vì vướng tháng Tết.
– Cổ đông: Hóa chất Đức Giang có kế hoạch xây dựng nhà máy H3PO4 phục vụ bán dẫn không? Hiệu suất hoạt động của nhà máy hiện tại là bao nhiêu?
Ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Hóa Chất Đức Giang: Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu H3PO4 phục vụ ngành bán dẫn nhưng vô cùng phức tạp. Yêu cầu về độ tinh khiết là rất cao. Công ty vẫn phải cập nhật thêm công nghệ mới. Việc sản xuất chất này có khi cần xây dựng nhà máy mới thay vì dùng nhà máy Lào Cai. Công ty vẫn đang chờ đón đầu các công ty bán dẫn để cung cấp sản phẩm cho họ.
– Ông Đào Hữu Huyền: Việc xuất khẩu H3PO4 cho bán dẫn cũng rất phức tạp vì các công ty bán dẫn có đã có chuỗi cung ứng của họ. Nhiều khi chúng ta đạt chất lượng nhưng họ cũng vòng vo không mua. Chưa chắc có sản phẩm các công ty bán dẫn nước ngoài đã chọn mình vì mình mới là một nước đang phát triển, tư bản độc quyền là vậy. Hiện tại chúng tôi mới chỉ xuất khẩu sang Đài Loan. Chúng ta làm ra không có nghĩa là bán được. Vì vậy việc xuất khẩu hay bán cho công ty sản xuất bán dẫn là khó.
– Cổ đông: Vì sao công ty chưa triển khai sản xuất nhựa PVC và Xút tại Nghi Sơn?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Hóa chất Đức Giang phải trì hoãn sản xuất PVC vì công ty muốn kiểm nghiệm thêm về công nghệ. Việc sản xuất PVC từ đá vôi bằng xúc tác thủy ngân đang bị cấm. Công ty muốn chậm lại một chút để xem tính khả thi của chất xúc tác mới là vàng. 4-5 năm nữa công ty sẽ bắt đầu đầu tư sản xuất PVC, tùy thuộc vào dự án bauxite tại Đăk Nông.
Còn về dự án Xút nếu dân họ không phản đối chúng ta đã có thể tiến hành từ năm 2022. Dân trong Nghi Sơn họ nghi ngờ về tính độc hại nên phản đối. Tuy nhiên năm nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng cho dân bị ảnh hưởng.
– Cổ đông: Công ty có sản xuất được pin lithium không?
Ông Đào Hữu Huyền: Pin lithium hiện là một câu chuyện rất thời sự. Chúng ta được gắn với hoạt động sản xuất pin vì chúng ta có thể sản xuất FePO4. Chúng tôi cũng đang chỉ định dừng ở việc sản xuất FePO4 thôi. Để làm pin hoàn chỉnh thì cần nhập rất nhiều nguyên vật liệu còn làm FePO4 thì Hóa chất Đức Giang thừa sức làm được. Chúng tôi cũng đa chào bán chất này sang Hàn Quốc, Đài Loan. Chúng tôi đang thử nghiệm làm pin hoàn chỉnh. Về ý nguyện lâu dài chúng ta phải làm được 1 viên pin hoàn chỉnh nhưng chưa phải lúc này. Để làm được 1 pin thì cần nhiều quy trình lắm.
– Cổ đông: Dự án bauxite tại Đắk Nông công ty đã ký MOU chưa? Trở ngại của dự án này là gì?
Ông Đào Hữu Huyền: Về dự án 2,3 tỷ USD tại Đắk Nông, chúng tôi đã ký MOU với UBND tỉnh Đắk Nông. Đây phải nói là một dự án “hoành tráng” của chúng tôi và chúng tôi không ký bừa. Đức Giang thừa sức thực hiện đầu tư 1 tỷ USD ban đầu vì tầm cỡ công ty giờ đã khác. Dự án này công ty không chỉ dùng vốn tự có mà cần vốn vay. Vietcombank đã ký cam kết cho công ty vay 14.500 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn có gần 10.000 tỷ tiền mặt, huy động từ cổ đông. Như vậy chúng ta đã nguồn lực để thực hiện, và có thể trở thành công ty làm nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đây sẽ là “quả đấm thép” của chúng ta trong vòng 30-40 năm nữa.
– Cổ đông: Hóa chất Đức Giang đang nắm lượng tiền gửi gần 10.000 tỷ thì có dùng đầu tư vào việc khác không? Công ty có ý định đầu tư mảng BĐS KCN để tận dùng dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam?
Ông Đào Hữu Huyền: Phải nói thật có số lượng tiền này chúng tôi có thể làm bàn đạp để xin dự án các tỉnh. Chúng tôi cũng không có ý định đầu tư vào trái phiếu. Trái phiếu về cơ bản là tín chấp, dù có lãi 10-12% nhưng mà cầm tiền cứ lo “nơm nớp”.
Nhiều công ty tài chính mời chúng tôi mua trái phiếu nhưng tôi không đồng ý vì tôi thấy rất rủi ro. Vì sao nhiều người đầu tư tôi cũng không hiểu. Tôi sẽ ôm bọc tiền này để đầu tư các dự án tiềm năng, đầu tư những quả đấm thép. Đầu tư trái phiếu mà bị “bùng” thì chết, thà gửi ngân hàng 4-5% còn hơn. Chúng tôi đi vay với lãi suất chỉ 2% thôi.
Tôi cũng không thích mảng bất động sản khu công nghiệp. Tôi chỉ thích hóa chất thôi. Đầy khu công nghiệp đang bỏ hoang mà các bạn không nhìn thấy nên khó có lãi. Nhiều người cứ bảo đại bàng bay trên trời nhiều mà còn đầy chỗ không thấy đậu. Tôi cũng chỉ thích tập trung đầu tư hóa chất.
Chúng ta cần ôm chặt lượng tiền mặt lớn để chuẩn bị cho dự án bauxite, vì đây là một dự án rất lớn, được Chính phủ rất quan tâm. Ngoài ra tôi cũng đặt tính an toàn lên trên hết.
– Cổ đông: Công ty dự kiến dự án bauxite Đắk Nông bao giờ đi vào hoạt động?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Đây là dự án phức tạp. Khoảng bao giờ có thể bắt đầu thì rất khó. Trong vòng 2 năm tới chúngtôi mong muốn có giấy chứng nhận đầu tư. Đưa vào hoạt động phải từ 4-5 năm nữa.
– Cổ đông: Xin quý công ty cập nhật giá xuất khẩu phốt pho vàng?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Giá phốt pho vàng đã tăng nhẹ trở lại. Cầu tại các thị trường chính cũng đã tăng, đặc biệt các nước chuyên làm bán dẫn. Giá đã tăng lại từ đáy. Dự kiến tháng 4 này giá điện tăng nên chúng tôi cũng đã điều chỉnh giá phốt pho tăng theo giá điện. Tuy nhiên trong nước sức tiêu thụ phốt pho vàng đang khá yếu.
– Cổ đông: Tổng công suất tối đa của dự án Xút Nghi Sơn là bao nhiêu?
Lãnh đạo Hóa chất Đức Giang: Hiện dự án này đang có công suất 150.000 tấn. Dự án Alumin tại Đắk Nông dùng Xút thì chỉ cần 70.000 tấn nên chúng ta thoải mái cung cấp. Dự án Xút Nghi Sơn được xây để phục vụ cho nhà máy Alumin Đắk Nông, thậm chí chúng tôi còn dư ra để đem đi bán.
– Cổ đông: Nếu Việt Nam sản xuất chất bán dẫn thì Hoá chất Đức Giang có hưởng lợi không?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Hoá chất Đức Giang chắc chắn sẽ hưởng lợi từ việc này. Họ sẽ cần rất nhiều hoá chất đầu vào như axit sunfuric, xút, axit photphoric, PCl3, oxy già,… song yêu cầu độ tinh khiết cao hơn. Vì vậy, tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu để bước đầu đạt yêu cầu của các nhà máy bán dẫn.
– Cổ đông: Dự án bất động sản dự kiến triển khai trong các năm tới ra sao?
Ông Đào Hữu Huyền: Nhà nước mới đưa tập đoàn vào diện thí điểm, nhanh thì có thể triển khai trong 2025. Dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ chung cư và 60 căn liền kề. Tập đoàn đã chờ 5 năm nay. Đợt này Nhà nước đã mở cửa hơn về việc cấp phép xây dựng chung cư và nhà liền kề.
– Cổ đông: Công ty có thể cho biết về nhu cầu sử dụng vốn trong những năm tới?
Ông Đào Hữu Huyền: Về công tác huy động vốn mảng bất động sản cần khoảng 3.000 tỷ đồng, dự án Nghi Sơn 2.000 tỷ và siêu dự án Đắk Nông. Chúng tôi đã có vốn hiện có, huy động vốn từ cổ đông và chúng tôi có thể IPO dự án Alumin này. Ngoài ra chúng ta có thể vay thêm ngân hàng.
– Cổ đông: Quý công ty có thể cập nhật tiến độ dự án Nghi Sơn?
Lãnh đạo Hóa chất Đức Giang: Dự án Nghi sơn vẫn còn vướng mắc tiền đền bù với dân vùng ảnh hưởng. Số tiền ban đầu là 360 tỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chi 160 tỷ rồi. Tuy nhiên số tiền hiện tại có thể tăng lên 490 tỷ đồng. Nhưng chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng đã ủng hộ chúng ta bằng cách tăng tiền đền bù lên 300 tỷ đồng nữa.
Dự kiến dự án này có thể mang về doanh thu 2.000 tỷ mỗi năm, lợi nhuận có thể đạt từ 200-250 tỷ/năm.
– Cổ đông: Công ty đánh giá thế nào về tiềm năng mảng hóa chất?
Ông Đào Hữu Huyền: Việc làm hóa chất không thể có lợi nhuận lớn như làm phốt pho. Chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Chúng ta có thể lấy lãi từ việc dùng điện và nhân công Việt Nam. Tuy nhiên đây vẫn là dự án lớn với chúng ta.
– Cổ đông: Tình hình phốt pho trên thế giới thế nào? Na Uy phát hiện ra mỏ quặng apatit lớn thì ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Như Kazakhstan họ đang không chạy được hết công suất. Họ chủ yếu bán sang châu Âu và Châu Âu đang kiệt quệ, nhu cầu không cao. Họ đang rất khó khăn. Họ cũng muốn gặp chúng tôi để học hỏi, trao đổi công việc nhưng chúng tôi cũng sẽ chia sẻ hạn chế
Còn tại Mỹ, nhiều công ty đang làm chất điện ly. Nhu cầu thị trường này trong tương lai sẽ tăng mạnh. Chúng tôi đang tìm cách để đưa PCl3 này sang Mỹ.
– Cổ đông: Tại sao Hóa chất Đức Giang mua công ty Cồn Đại Việt?
Ông Đào Hữu Huyền: Chúng tôi đã sang thăm nhà máy. Công ty này nguồn nguyên liệu sẵn, có khách để xuất khẩu nên chúng tôi mua. Còn thiết bị Trung Quốc theo tôi là rất tốt, nhà máy vẫn còn hoạt động “ngon” nhưng do ông chủ bị ngân hàng xiết nợ nên chúng tôi đã đầu tư vào. Nhưng mà công ty này được giao bán 4-5 năm nay rồi nhưng giờ chúng ta mới nhảy vào, Số tiền chi ra khoảng hơn 100 tỷ đồng.
– Cổ đông: Công ty có thể chia sẻ về các dự án M&A sắp tới?
Ông Đào Hữu Huyền: Chúng tôi phải chờ thời cơ M&A. Chúng tôi không thể biết trước được việc này, tùy thuộc xem thị trường có bán không. Phốt Pho Apatit là thương vụ tốt nhất của chúng tôi. Ắc quy Tia Sáng thì hơi kém hơn một chút. Nếu chờ ngon mới M&A thì hết cơ hội. Chúng ta luôn phải mở rộng nhưng với nguyên tắc không đi ra ngoài ngành.
– Cổ đông: Con số lợi nhuận kế hoạch năm nay khá thận trọng, nếu các điều kiện thuận lợi và khả quan nhất thì năm nay có thể đạt bao nhiêu?
Ông Đào Hữu Huyền: Thực ra năm nay rất khó khăn chứ không phải thận trọng. Năm nay, doanh nghiệp phấn đấu 3.000 tỷ là không hề đơn giản, chưa kể vấn đề điện tăng giá. Hiện tại, tình hình tiêu thụ của tập đoàn vẫn tốt, có gì là bán hết, không ế nhưng giá cả không phải cao. Nếu đặt quá cao thì dễ thành PR cổ phiếu.
– Cổ đông: Công ty cho biết sức tiêu thụ các sản phẩm axit photphoric tại Việt Nam?
Ông Đào Hữu Duy Anh: Trong nước chủ yếu dùng H3PO4 trong ngành công nghiệp thực phẩm để làm ra đường và dầu ăn, hoặc trong sản phẩm đồ uống giải khát. Sản phẩm cũng được dùng để xử lý bề mặt kim loại như trong việc mạ ô tô sơn ô tô hay mạ kẽm. Sức tiêu thụ yếu, tức khoảng 1.000 tấn đổ lại trong một tháng. Tập đoàn cũng vấp phải sự cạnh tranh từ axit photphoric với chất lượng kém hơn, nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc – chúng tôi hay gọi đây là axit photphoric tái chế.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chu-tich-hoa-chat-duc-giang-loi-nhuan-quy-1-2024-dat-khoang-700-ty-tha-gui-10000-ty-vao-ngan-hang-de-cho-nhung-cu-dam-thep-tiem-nang-con-hon-dau-tu-trai-phieu-khu-cong-nghiep-188240329090330652.chn