Tại sự kiện tham quan thực tế hệ sinh thái Cảng quốc tế Long An, bà Ngô Thị Thanh Vy, Phó Tổng Giám đốc CTCP Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An đã chia sẻ về chiến lược phát triển của cảng, trong khuôn khổ Hội nghị logistics Việt Nam 2024. Hội nghị lần này do Báo Đầu tư tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá”.
Đại diện CTCP Xây Dựng Long An IDICO cho biết, công ty đang có khu công nghiệp tại Long An và muốn tìm hiểu về chi phí logistics tại cảng quốc tế Long An. Trả lời, bà Vy nhấn mạnh rằng Cảng quốc tế Long An có lợi thế cạnh tranh và được sự quan tâm của chính quyền tỉnh Long An. Cảng được xây dựng nhằm kết nối giao thương trong nước và quốc tế, đặc biệt là phục vụ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Long An.
Theo bà Vy, cảng quốc tế Long An hiện kết nối hàng hóa, kho bãi từ ĐBSCL đến TP. HCM, khu vực Đông Nam Bộ và Campuchia. ĐBSCL là trung tâm xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn, nhưng vẫn gặp thách thức lớn trong dịch vụ logistics cho hoạt động xuất khẩu. Bà Vy cho biết, hiện có khoảng 70-75% hàng hóa ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ hoặc qua các cảng tại TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến chi phí vận tải chiếm 30-40% tổng chi phí sản phẩm, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh do ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
>> Vietnam Airlines và Viettel Post hợp tác, giảm đến 15% cước vận tải hàng không quốc tế
Để đáp ứng nhu cầu này, cảng quốc tế Long An đã phát triển thành một hệ sinh thái logistics toàn diện, bao gồm cảng biển, kho bãi, vận tải đa phương thức (đường bộ, đường sông), và cước vận tải đường hàng không. Nhờ các dịch vụ trọn gói và giải pháp chi phí cạnh tranh, các doanh nghiệp tại ĐBSCL có thể tiết kiệm 10-30% chi phí khi vận chuyển qua cảng mà không phải chịu phí hạ tầng.
Hiện tại, cảng quốc tế Long An đang khai thác container nội địa giữa các vùng miền Bắc, Trung và Nam. Theo kế hoạch, từ năm 2025, cảng sẽ triển khai khai thác container quốc tế và đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng, quy trình để đáp ứng yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt của tuyến quốc tế.
Cảng quốc tế Long An đang làm việc với nhiều hãng tàu quốc tế để triển khai kế hoạch vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới. “Mở một tuyến mới đòi hỏi các hãng tàu phải khảo sát kỹ nguồn hàng và tiềm năng khách hàng. Cảng Quốc tế Long An đang nỗ lực đầu tư để đem đến giải pháp tốt nhất cho khách hàng”, bà Vy chia sẻ.
Được xem là dự án trọng điểm của tỉnh Long An, cảng quốc tế Long An nhận được sự hỗ trợ của tỉnh trong việc thu hút lưu thông hàng hóa qua cảng. Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Cảng quốc tế Long An cho biết, Đồng Tâm Group đầu tư xây dựng cảng quốc tế Long An tại huyện Cần Giuộc nhằm kết nối ĐBSCL với TP. HCM. “Khu vực ĐBSCL hiện chưa có một cảng biển quy mô, vì vậy Đồng Tâm đã đầu tư Cảng Quốc tế Long An để hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nhanh chóng đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước”. ông Huy cho biết.
Cảng quốc tế Long An hướng đến trở thành hệ sinh thái logistics toàn diện, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất – nhập khẩu với các dịch vụ từ thủ tục hải quan, vận chuyển hàng từ kho cảng đến đại lý, và các dịch vụ liên quan, thể hiện sự cam kết của cảng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
>> ‘Ông lớn’ bất động sản Nhật Bản tiến sâu vào thị trường Việt Nam với dự án logistics đầy tham vọng
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cang-quoc-te-long-an-san-sang-khai-thac-container-quoc-te-loat-ong-lon-logistics-de-mat-174505.html