Tính đến hết tháng 8/2024, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính bán niên sau soát xét. Tuy nhiên, nhiều cái tên đình đám đã phải đối mặt với kết luận kiểm toán đáng lo ngại và nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục trong bối cảnh tình hình tài chính trở nên căng thẳng và nhiều rủi ro dần lộ diện.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Mã CK: HVN)
Vietnam Airlines, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 5.194 tỷ đồng, giảm 74 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Dù lãi lớn, công ty kiểm toán KPMG vẫn đưa ra cảnh báo về tình hình tài chính của hãng do nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn gần 40.800 tỷ đồng, cùng với khoản nợ quá hạn 1.300 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.633 tỷ đồng.
Theo đánh giá của KPMG, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc rất lớn vào việc gia hạn thanh toán các khoản vay cũng như các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê. Quan trọng hơn, khả năng thành công của đề án tái cơ cấu tài chính hiện đang được xem xét và phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền sẽ đóng vai trò quyết định đến tương lai của hãng.
Từ đó, KPMG cho rằng tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong tương lai.
>>Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 11.600 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán nói gì?
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC)
Xây dựng Hòa Bình cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 với lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Trong khi cùng kỳ Xây dựng Hòa Bình báo lỗ 713 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù lãi lớn trong nửa đầu năm nhưng tại thời điểm 30/6/2024, Xây dựng Hòa Bình vẫn còn khoản lỗ lũy kế 2.403 tỷ đồng. Cùng với một số khoản nợ quá hạn, kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đưa ra nhận định: “Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình”.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã CK: HAG)
CTCP Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi bầu Đức đã công bố báo cáo tài chính soát xét với doanh thu 2.762 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động kinh doanh trái cây hiệu quả, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ, đạt 500 tỷ đồng.
>>Chân dung con gái kín tiếng của bầu Đức: Sở hữu khối tài sản trăm tỷ và vai trò đặc biệt với Hoàng Anh Gia Lai
Tuy nhiên, Kiểm toán viên của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã nêu ra một vấn đề đáng lo ngại rằng HAGL hiện đang có lỗ lũy kế 957 tỷ đồng và tại ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 350 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán này cho rằng có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, Mã CK: HNG)
HAGL Agrico, một doanh nghiệp khác cũng liên quan đến bầu Đức công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 với doanh thu thuần đạt 147,2 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 363,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 247 tỷ đồng.
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, đơn vị kiểm toán của HAGL Agrico cho biết tính đến ngày 30/6/2024, công ty phát sinh khoản lỗ lũy kế lên tới 8.465 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn với số tiền 10.345 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán này nhận định, những yếu tố trên cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL Agrico.
>>Lỗ lũy kế gần 8.500 tỷ đồng, HAGL Agrico (HNG) bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/loat-doanh-nghiep-dinh-dam-bi-kiem-toan-nghi-ngo-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-155125.html