Cần linh hoạt để thu hút doanh nghiệp có năng lực
Sau một thời gian chờ đợi, Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Trong đó, nội dung mà các doanh nghiệp quan tâm nhất là cơ chế và chính sách liên quan đến điện gió ngoài khơi.
Với nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, trong trường hợp là doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Công Thương đề xuất đã triển khai ít nhất 1 dự án có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới; có tổng giá trị tài sản ròng trong 3 năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án.
Những dự án này buộc phải có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam, với điều kiện vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 65% vốn điều lệ trong liên danh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp điện gió ngoài khơi của Đan Mạch đánh giá việc chỉ tập trung vào tài sản ròng có khả năng sẽ vô tình loại bỏ một số nhà đầu tư có năng lực. Nhiều nhà đầu tư hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con nên doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn hoặc tài sản nắm giữ, mà còn dựa vào công ty mẹ hoặc công ty liên kết và sự bảo lãnh của những công ty này nên nguồn lực vẫn đủ khả năng triển khai.
Theo vị đại diện, dự thảo nên yêu cầu tài sản ròng trong 3 năm gần nhất lớn hơn phần tổng mức đầu tư dự kiến theo tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thay vì “tổng mức đầu tư dự kiến của dự án”, bởi phần còn lại thuộc về trách nhiệm của đối tác liên danh.
“Với số vốn đầu tư lớn từ 3-5 tỷ USD để phát triển 1 GW điện gió ngoài khơi, tỷ lệ đóng góp tối thiểu 35% đối với nhiều nhà đầu tư trong nước là rất lớn. Trong thời gian đầu, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài có thể từ 65% lên 85% để đảm bảo tiến độ và khả năng triển khai dự án”, vị đại diện bày tỏ.
Lo trúng thầu rồi tiếp tục phải đàm phán giá
Điều khiến các doanh nghiệp điện gió ngoài khơi băn khoăn nhất là cơ chế giá điện. Theo một doanh nghiệp, việc Bộ Công Thương đưa ra giá trần (để doanh nghiệp trúng thầu) là công cụ hữu hiệu để cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả đối với các dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo ngại ở giai đoạn 2, sau khi thắng thầu doanh nghiệp phải tiếp tục đàm phán với bên mua điện là EVN nhằm giảm giá trong hợp đồng mua bán điện.
Tại nhiều nước như Anh, Đan Mạch, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… họ tập trung vào việc nhà đầu tư đưa ra “giá thấp nhất sẽ thắng”. Với quy định mà dự thảo đưa ra sẽ tạo thêm rủi ro cho các dự án trị giá hàng tỷ USD và rất có thể các dự án không thể hoàn thành với mức giá giảm như vậy.
“Việt Nam là quốc gia duy nhất đề xuất phương pháp tiếp cận này và chúng tôi đề xuất cập nhật quy định thể hiện quy trình trao thầu một giai đoạn dựa trên giá thầu mà không cần đàm phán thêm với EVN. Nếu cần thiết, Chính phủ có thể cân nhắc để EVN tham gia vào đề xuất chi phí/giá thầu ban đầu và duy nhất để đảm bảo EVN hài lòng với mức giá đó trước khi công bố trao thầu dự án”, vị này cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ – thành viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – cho rằng, hiện nay doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm để triển khai dự án điện gió ngoài khơi nên phương án tốt nhất là thực hiện liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài.
“Doanh nghiệp nước ngoài có thể làm tua bin, cánh gió; còn doanh nghiệp Việt có thể đảm đương phần xây lắp, làm nền, móng, cột. Điển hình như Tập đoàn PVN có doanh nghiệp chuyên về xây lắp có thể nghiên cứu tham gia liên danh, giảm chi phí và tận dụng năng lực, thế mạnh của mỗi bên”, PGS-TS Nguyễn Minh Duệ cho hay.
Với giá điện, ông Duệ nói cần vừa đảm bảo được lợi nhuận cho các nhà đầu tư nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm từ việc đưa ra cơ chế giá FIT (giá khuyến khích) để phát triển điện mặt trời trong thời gian vừa qua.
>> Gỡ vướng các dự án năng lượng tái tạo sai phạm vào top 10 sự kiện nổi bật ngành công thương
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/lo-ngai-cua-doanh-nghiep-dien-gio-ngoai-khoi-sau-trung-thau-187528.html