Tham gia giải chạy marathon là cách vị CEO đầu tư cho sức khỏe, điều mà anh đã thực sự nghiêm túc dành sự ưu tiên trong hai năm qua và là hành trang cho quãng đường 20-30 năm phía trước.
Ở tuổi 35, Phạm Kim Hùng vẫn thường xuyên thức thâu đêm làm việc như trước, với hai điều không thay đổi ở nhân vật này: “Niềm đam mê với sản phẩm” và “Tình yêu lao động”.
Nhìn lại hành trình gần 7 năm với Base, thành tựu nào khiến anh cảm thấy tự hào nhất về doanh nghiệp của mình?
Nhìn lại 7 năm qua, để nói về niềm tự hào, tôi muốn chia sẻ hai điều.
Thứ nhất là những người đồng đội.
Nếu mọi người chỉ nhìn vào bức tranh hiện tại của Base, rất khó để hình dung những ngày đầu khi chúng tôi chưa có khách hàng, và thị trường SaaS ở Việt Nam còn rất mới. Các thành viên sáng lập khi đó đều có nhiều cơ hội việc làm bên ngoài, trong khi đó Base không có gì khác ngoài “ước mơ”. Tuy vậy mà mọi người vẫn cam kết và gắn bó với Base, toàn bộ nhân sự chủ chốt của công ty đến hôm nay vẫn nguyên vẹn. Sự gắn bó ấy là điều tôi cảm thấy tự hào một phần, còn phần nhiều là trân trọng.
Thứ hai, Base là một tổ chức có niềm tin rất mạnh.
Trên con đường khởi nghiệp, phần lớn startup đều thất bại. Điều giữ các nhân sự trong startup nằm ở niềm tin mạnh mẽ về những gì công ty và họ có thể làm được. Những ngày đầu, chúng tôi từng nghĩ làm kinh doanh ở Việt Nam từ chính công sức và mồ hôi của mình rất khó. Khó bởi không tìm được một chân dung mà bạn có thể học hỏi hoặc copy, khó vì thị trường SaaS khi ấy gần như chưa tồn tại, khó vì mọi người còn rất trẻ. Ai cũng tự hỏi một công ty khởi nghiệp có bán được sản phẩm SaaS không? Khoảng 12-18 tháng đầu, Base chỉ tập trung vào sản phẩm, không hề có doanh thu. Đó là khoảng thời gian rất dài, thách thức và khắc nghiệt. Trên chặng đường ấy, bất kỳ khoảnh khắc nào bản thân nghĩ muốn dừng lại thì chắc chắn đã dừng lại rồi. Phải có niềm tin rất mạnh và không từ bỏ.
Câu chuyện này giống như chạy marathon, sẽ có thời điểm ta hỏi: “Tại sao mình phải chạy con đường khắc nghiệt này?”, nhưng cùng lúc ấy, hãy đặt câu hỏi lật ngược lại rằng “Tại sao chúng ta lại lựa chọn bắt đầu?”. Khởi nghiệp chỉ có thể cố gắng đi nhanh, nhưng không có đường tắt. Mọi người thường rất mong muốn đi tắt từ A đến Z luôn, nhưng nếu mình cố gắng đi tắt, sẽ có lúc mình phải trả giá bằng những điều khác.
Điều tôi cảm thấy rất tự hào là Base chưa từng từ bỏ, luôn sẵn sàng dấn thân.
Thời kỳ đầu, Base làm thế nào để bán hàng cho các doanh nghiệp khi mà như anh nói, thị trường SaaS gần như chưa tồn tại?
Những thành viên đầu tiên của Base đều chỉ làm sản phẩm, rất ít kinh nghiệm về kinh doanh. Khi ấy, chúng tôi đã từng nghĩ rằng chỉ cần một đội sale có thể gọi điện và tìm mọi cách để xuất hiện trước doanh nghiệp là có thể bán được hàng. Chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp nào cũng làm thế, tại sao mình không làm! Nhưng cuối cùng phương pháp này hoàn toàn thất bại. Sau đó, chúng tôi nhận ra doanh nghiệp chỉ mua sản phẩm khi họ có sẵn nhu cầu và mình không thể tạo ra nhu cầu cho họ.
Chúng tôi đã gặp những công ty đã đầu tư vài triệu đô la để xây dựng hệ thống công nghệ, dùng sản phẩm của nước ngoài nhưng vẫn không thấy hài lòng. Đó là cơ hội của chúng tôi, bằng mọi giá phải tạo ra sản phẩm tốt hơn.
Về sau, khi bán hàng, Base có hai mục tiêu chính. Thứ nhất, sản phẩm phải thực sự đem lại giá trị cho khách hàng, vì thế các bạn sale cần hiểu rất rõ về sản phẩm. Thứ hai, Base coi trọng xây dựng mối quan hệ lâu bền và coi sự thành công hay thất bại của khách hàng cũng là sự thành công hay thất bại của chính mình. Đây là điều mà nhiều công ty SaaS nước ngoài đi theo mô hình “product-lead sales” không làm được: họ chỉ bán sản phẩm, doanh nghiệp tùy ý sử dụng, không có sự kết nối tự nhiên nào về con người với nhau. Chúng tôi chú trọng quan tâm đến việc khách hàng dùng sản phẩm thế nào, cả về mặt cơ học, kỹ thuật và con người. Tôi muốn Base phải thực sự đi cùng doanh nghiệp một chặng đường dài, và điều thú vị là các bạn nhân sự cũng rất thích điều này. Nói chuyện, làm việc và trao đổi với những lãnh đạo doanh nghiệp mang lại nhiều cảm hứng cho các bạn.
Theo anh, điều gì thuyết phục các doanh nghiệp mua sản phẩm của Base khi đó?
Những ngày đầu tiên, điều duy nhất khiến các doanh nghiệp chọn Base là bởi họ nhìn thấy sự đam mê trong cách chúng tôi nói về sản phẩm. Hai năm đầu, tôi và các cộng sự trực tiếp làm việc với hầu hết các khách hàng, từ nhỏ đến lớn. Khi ấy, sản phẩm cũng chưa được hoàn thiện như bây giờ, nhưng họ nói rằng họ tin chắc sẽ đến lúc Base tạo ra được sản phẩm tốt hơn. Đó là điều tôi luôn vô cùng trân trọng và biết ơn những khách hàng đầu tiên ấy.
Giờ đây, khi Base đã có hơn 100 nhân viên bán hàng và 8,000 khách hàng, chúng tôi hay đặt câu hỏi: Đâu là những sự khác biệt giữa các bạn sales tốt nhất và bình thường nhất? Mọi người thường nghĩ chuyên gia bán hàng tốt là người giỏi giao tiếp, đàm phán và thuyết phục. Nhưng qua kết quả doanh thu thực tế hàng năm thì điều đó lại không đúng ở Base. Top các bạn giỏi nhất luôn là những bạn có đam mê với sản phẩm và gắn kết với công ty nhất. Quả thật, thứ giá trị nhất đối với một doanh nghiệp là tình yêu của đội ngũ với sản phẩm và niềm tin với con đường họ đang đi, còn mọi điều khác đều có thể học được.
Sau gần 2 năm kể từ khi Base chính thức về với Tập đoàn FPT, anh nhìn nhận Base đã có những thuận lợi hay cơ hội nào?
Về kết quả, gần 2 năm vừa qua, Base tăng trưởng 3 lần về doanh thu, mở rộng quy mô thêm 200 nhân sự, hiện là 400 người.
Cùng với đó, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ câu chuyện về FPT và hiểu được vì sao FPT lại vĩ đại và là tập đoàn CNTT lớn mạnh nhất Việt Nam. Các lãnh đạo FPT đều là những người rất giỏi và đầy nhiệt huyết, có những doanh nhân U70 nhưng vẫn cháy hết mình với công việc, vẫn nói về chiến lược, mục tiêu tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi năm. Tôi không thấy một dấu hiệu nào của tuổi tác trong đam mê của các anh. Mà đó đều là lãnh đạo các doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm! Tôi luôn tự hỏi: “Đến tuổi 70 liệu mình có thể giữ được ngọn lửa đam mê đến thế?”.
Phải gặp trực tiếp bạn mới cảm nhận được điều ấy và cảm thấy xúc động thế nào. Cũng vì thế, tôi thấy bản thân và Base còn nhiều điều phải cố gắng. So với các công ty thành viên của FPT – mỗi năm đều mang về doanh thu vài nghìn tỷ đồng, Base dù đã có vị thế và thị phần nhất định trên thị trường thì vẫn rất nhỏ. Base cũng còn rất nhỏ so với tiềm năng có thể làm được ở Việt Nam. Và để xây dựng một công ty lâu bền, trường tồn đòi hỏi nhiều điều, không dừng lại ở câu chuyện quản trị, sản phẩm, hay những chuyện mà chúng ta từng nói khi còn là startup.
Anh nói về chuyện xây dựng một công ty trường tồn. Với Base, anh nghĩ cần những điều gì để công ty có thể đón sinh nhật 30, 50 tuổi hoặc hơn thế nữa?
Đó là câu hỏi mà bản thân tôi phải suy nghĩ rất nhiều mỗi ngày. Cả tổ chức phải trưởng thành hơn, quản trị tốt hơn, không được lúc nào cảm thấy hài lòng, và liên tục học hỏi. Tuy nhiên, tôi tin có hai yếu tố cốt lõi mà Base rất cần phải làm, đó là giữ được tình yêu với sản phẩm và giữ sự chân thành, hết mình với khách hàng.
Với anh, hợp tác giữa FPT và Base là hợp tác win-win? Tuy nhiên bên ngoài, có những người cho rằng đây là một cuộc thâu tóm và những điều hay của Base đã mất đi. Anh nghĩ sao về ý kiến đó?
Base vẫn giữ nguyên niềm tin của mình, đó là tình yêu với sản phẩm và tiếp tục ra mắt các sản phẩm mới hàng năm. Khi về cùng FPT, chúng tôi đã ngày càng tập trung hơn. Chúng tôi tập trung rất nhiều vào nội tại và khách hàng, ưu tiên nhiều hơn cho phần cốt lõi. Tôi nghĩ rằng khi doanh nghiệp chạm đến một quy mô nhất định, đều hội tụ ở một điểm, đó là khách hàng.
Hiện mọi người có thể thấy những câu chuyện của Base được kể ít đi nhưng thực ra, có rất nhiều câu chuyện bên trong. Đồng thời, một điều quan trọng là công ty liên tục tăng trưởng. Tôi nghĩ rằng điều này mới là ý nghĩa của một thương vụ hợp tác.
Base có rất nhiều nhân viên là người trẻ, thuộc thế hệ GenZ. Họ được nhận định là có nhiều điểm khác biệt so với các thế hệ trước, ít khi gắn bó với doanh nghiệp quá 3 năm. Base có gặp khó khăn đó không, thưa anh?
Đúng là về mặt vĩ mô, có sự thay đổi lớn ở thế hệ GenZ. Các bạn được sinh ra trong điều kiện tốt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Các bạn có nhiều cơ hội hơn, nhưng vì có quá nhiều nên cơ hội để phát triển thật sâu một lĩnh vực gì đó lại khó hơn. Nhiều bạn bị áp lực đồng trang lứa, mong muốn sớm nhận được kết quả và thu nhập tốt ngay lập tức.
Ở Base, chúng tôi hay chia sẻ điều khó học nhất là sự kiên trì. Đôi khi phải dành rất nhiều năm để xây dựng được một thứ gì đó. Base cũng mất 18 tháng đầu để có doanh thu. Nếu bỏ cuộc sớm thì đã không làm được gì cả.
Nếu có một điều để chia sẻ với các bạn trẻ thì tôi sẽ nói về tình yêu lao động. Tình yêu lao động nằm ở việc bạn biết rõ việc mình đang làm, thực tâm muốn làm nó thật tốt, và chỉ nhận những thứ mình xứng đáng, trực tiếp làm ra. Nhìn ra thế giới, bất kỳ quốc gia giàu mạnh nào, họ cũng có ít nhất vài thế hệ rất yêu lao động, làm việc hết sức nỗ lực và kiên trì, từ đó tạo ra sự tích lũy rất lớn về cả nhận thức và vật chất.
Tôi luôn dạy con mình là chỉ nhận những gì mình xứng đáng nhận được và để xứng đáng thì phải làm nó từ chính đôi tay của mình. Việc này đòi hỏi sự kiên trì và một chút “cố chấp”. Tôi chưa từng đầu tư, bỏ tiền vào một thứ tài sản gì chỉ để chờ một ngày nó tăng giá. Phải trực tiếp lao động để tạo ra giá trị, tiền bạc chỉ nên là thước đo giá trị mà thôi.
Anh rất đề cao tình yêu lao động. Bản thân anh cũng là người có bảng thành tích học tập xuất sắc, có thế mạnh về công nghệ. Nếu đặt tài năng và sự chăm chỉ lên cán cân, anh sẽ chia tỷ trọng thế nào?
Tôi nghĩ tài năng chỉ chiếm 3 điểm thôi, còn sự chăm chỉ và kiên trì chiếm 10 điểm. Mà có lẽ tài năng chỉ chiếm ít hơn 1 điểm. Tôi đã gặp rất nhiều người tài năng, nhưng may mắn hơn là tôi cũng gặp những người vừa tài năng vừa chăm chỉ. Ở Stanford, các bạn sinh viên rất giỏi, nhưng cũng vô cùng chăm chỉ. Tôi nghĩ từ “chăm chỉ” trong tiếng Việt đôi khi hơi khó để lột tả hết ý nghĩa của câu chuyện. Trong tiếng Anh, “hard work” nên được hiểu là chăm chỉ, kiên trì và có khát vọng mạnh mẽ.
Lý do tôi chấm việc “hard working” 10 điểm bởi nó thực sự rất “hard” (khó). Ai cũng muốn nghỉ ngơi, chỉ khi bạn tìm được niềm tin rất mạnh thì mới “work hard” được. Và thông thường, khi đã “work hard” thì bạn cũng vượt qua cấp độ về tài năng rồi. Tất nhiên, những người tài năng chưa chắc đã “work hard”.
“Work hard” như vậy, anh vượt qua mệt mỏi và áp lực bằng cách nào?
Nếu có một điều khiến cho bản thân tôi cảm thấy được truyền động lực thì đó là những người đồng đội, là hơn 400 con người đang đồng hành với mình. Vai trò của người lãnh đạo là phải luôn “work harder”, đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào, và đơn giản là không có sự lựa chọn khác. Bởi đối với tôi, một startup sẽ thành công chính bằng những thứ họ coi là “phải làm bằng mọi giá”, chứ không phải khi họ đang thấy rằng mình có quá nhiều sự lựa chọn hoặc khi nhà lãnh đạo bắt đầu một hành trình để trải nghiệm.
Nhiều người trẻ thích trải nghiệm, đôi khi khó khăn cũng là trải nghiệm, hạnh phúc cũng là trải nghiệm. Có bạn coi “work hard” như một trải nghiệm. Nhưng chính trải nghiệm có thể cũng làm chúng ta dễ dàng bỏ cuộc. Việc này làm tôi nhớ đến giải chạy Trail Marathon ở Đà Lạt: các cộng sự của tôi rất thích giải chạy này vì cung đường chạy Đà Lạt rất đẹp, có núi non hùng vĩ và những ngọn đồi bất tận. Tuy vậy, đây là một chặng đua khắc nghiệt với tỉ lệ DNF (không hoàn thành) rất cao. Phần lớn trải nghiệm mọi người nghĩ rằng sẽ nhận được ở trước chặng đua được thay bằng đau mỏi, chấn thương, và nhiều người bỏ cuộc đã hỏi bản thân: “Cố chạy từ sáng sớm đến đêm muộn như thế để làm gì?”.
Đối với tôi, trải nghiệm không quan trọng bằng con đường. Chỉ khi bạn cố gắng hết sức đi đến đích, bạn mới không hối tiếc về con đường mình đã đi qua và có được trải nghiệm trọn vẹn nhất. Startup luôn phải như vậy, và cuộc sống cũng thế.
Vậy chăm chỉ, yêu lao động có phải tiêu chí ưu tiên khi anh tuyển dụng nhân sự ở Base? Anh giữ chân nhân tài thế nào?
Không hề, chúng tôi không có yêu cầu điều đó khi tuyển dụng, vì điều đó đòi hỏi thời gian. Trên thực tế, Base luôn có những nhân viên rất tâm huyết và rất yêu công ty. Các bạn ấy thấy công sức mình bỏ ra mang lại giá trị lớn cho khách hàng, cho công ty, nên rất muốn làm việc. Mọi người chỉ có thể “yêu lao động” khi tự thân cảm thấy giá trị mình đang tạo ra và điều đó quan trọng với cả công ty như thế nào. Tôi luôn trân trọng và cảm ơn họ!
Trong thế giới hiện nay, mọi người có nhiều sự lựa chọn và các cố gắng để “giữ người” là khó khả thi. Điều nên làm là tổ chức phải kiên định với con đường của mình, giữ thật chặt con đường ấy, sứ mệnh ấy. Khi đó, nhân sự, hay tối thiểu là những nhân sự phù hợp, sẽ gắn bó với con đường ấy.
Tôi hay nói với các cộng sự của mình rằng tôi không là doanh nhân, Base cũng không chỉ là một doanh nghiệp. Base cần phải nỗ lực không chỉ vì doanh thu và lợi nhuận, mà phải vì một ước mơ lớn hơn rất nhiều. Nhưng lãnh đạo thì phải luôn “lo” được cho những người đồng đội đi cùng mình. Những ngày đầu công ty không có tiền, nếu vì chỉ tiền thì Base đã không tập hợp được nhiều người giỏi đến vậy. Những người đến với bạn lúc gian khó sẽ luôn là những người đáng trân trọng nhất.
Từ bốn năm qua, Base cũng đã thực hiện các chương trình ESOP (Employee Stock Ownership Plan, kế hoạch phát hành cổ phần thuộc sở hữu của người lao động – PV) cho hơn 50 nhân sự chủ chốt. Tôi cho đó là sự phát triển lành mạnh, khi mà chúng ta cùng cố gắng, đến khi đạt được thành tựu thì cùng sở hữu. Nếu chỉ công ty thành công mà các nhân viên lại không thì đó là một sự thành công không trọn vẹn. Nếu như Base trở thành công ty đại chúng, đó có thể tạm coi là một sự “thành công” ban đầu, để tiếp nối với con đường chúng tôi đã đi và mang lại sự hạnh phúc cho nhiều nhân viên.
Anh đặt kế hoạch gì cho Base trong năm 2023?
Trong năm nay, Base có 2 kế hoạch chính. Một là, tổ chức lại SaaS Day, sự kiện hằng năm đã bị gián đoạn trong những năm qua vì đại dịch. Hai là, chúng tôi sẽ ra mắt một sản phẩm mới liên quan đến tài chính, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái của Base.
2023 là một năm kinh tế biến chuyển khó lường, nhưng cũng là giai đoạn rèn luyện bản lĩnh, là lúc tốt nhất để học. Khách hàng sẽ mua khó hơn, yêu cầu cao hơn về sản phẩm, đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực hơn. Để đảm bảo với mục tiêu tăng trưởng, Base có kế hoạch mở rộng khoảng 20% quy mô nhân sự.
Mới đây, chúng tôi đã mở một văn phòng tại Đà Nẵng, với mong muốn kết nối nhiều hơn với các doanh nghiệp miền Trung.
Cảm ơn anh! Chúc anh và Base sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.