Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 30/12, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, chia sẻ thông tin quan trọng về kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị Thủ đô.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài khoảng hơn 616,9km.
>> Lựa chọn đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới cho ‘siêu dự án’ đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Hiện tại, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km, tương đương khoảng 4% tổng chiều dài dự kiến. Hai tuyến đang hoạt động bao gồm tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông, dài 13km) và tuyến số 3 trên cao (Nhổn – Cầu Giấy, dài 8,5km).
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển một hệ thống đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 50-55% vào năm 2035 và tăng lên đến 65-70% những năm sau đó. Để cụ thể hóa các mục tiêu này, UBND thành phố đã tích cực phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Hà Nội đặt quyết tâm hoàn thành 410,8km đường sắt đô thị vào năm 2035 và tiếp tục triển khai thêm 200,7km trong giai đoạn 2036-2045, nâng tổng chiều dài mạng lưới lên 616,9km.
Đây là một kế hoạch táo bạo và đầy thách thức, đòi hỏi những giải pháp đột phá. Thành phố đã tập trung nghiên cứu và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí vốn đầu tư, phân cấp và phân quyền mạnh mẽ, cũng như đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hiện tại, Đề án đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Bộ Chính trị thông qua và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025, làm cơ sở cho Hà Nội triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Để thúc đẩy quá trình phát triển đường sắt đô thị, Hà Nội đề xuất sáu nhóm giải pháp, trong đó bao gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.
Hà Nội đặt trọng tâm vào việc ưu tiên tối đa nguồn vốn đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị, trong đó đầu tư công giữ vai trò chủ đạo và dẫn dắt. Đồng thời, thành phố chủ trương đa dạng hóa các nguồn lực, linh hoạt áp dụng nhiều hình thức và phương thức đầu tư khác nhau. Đặc biệt, việc thúc đẩy đầu tư theo mô hình đối tác công – tư được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giảm bớt gánh nặng huy động vốn từ ngân sách Nhà nước.
>> Sếp FPT Đỗ Cao Bảo chỉ ra công thức ‘thần tốc’ của các đại dự án đường sắt đô thị, sân bay…
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ha-noi-dat-quyet-tam-het-suc-tao-bao-va-day-thach-thuc-lam-617km-duong-sat-do-thi-188944.html