Tròn một tuần từ ngày Katinat Saigon Kafe khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội ở số 60 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), hàng người dài vẫn kiên nhẫn chờ trước cửa quán và bàn tán về thương hiệu từng “gây sốt” với chương trình tặng ly cầu vồng.
Theo ghi nhận vào thời điểm 16h ngày Chủ nhật (9/4), các món signature của quán như trà sữa chôm chôm hay trà sữa hồng D’ran đều đã hết sạch.
Được biết, sau cửa hàng đầu tiên, Katinat sắp mở thêm tới 2 chi nhánh ở thủ đô tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và Phan Đình Phùng (quận Ba Đình). Tuy nhiên, ngay khi vừa ra mắt, bên cạnh một số phản hồi tích cực, Katinat Lý Thường Kiệt đã phải nhận nhiều đánh giá không tốt trên Google như chất lượng đồ uống bình thường, phục vụ quá chậm, không gian chật chội…
Quán cà phê “gen Z” sở hữu loạt mặt bằng ngay các giao lộ lớn
Được thành lập từ năm 2016, Katinat là một thương hiệu của D1 Concepts – công ty sở hữu các chuỗi F&B khác như San Fu Lou, Dì Mai và Sorae. Theo giới thiệu trên website của D1 Concepts, Katinat là sự kết hợp giữa nét xưa cũ và phong cách hiện đại, không chỉ đem đến thức uống ngon đúng chuẩn, mà còn có “không gian thiết kế ấn tượng, nhìn ra các vòng xoay, trục đường lớn đông đúc nhộn nhịp của Sài Gòn”.
Cho tới thời điểm Covid-19 xuất hiện, tên tuổi của Katinat vẫn không mấy nổi bật, chỉ có chưa đến 10 chi nhánh nhỏ tập trung tại quận 1 và quận 3, TP. HCM. Tuy nhiên, tận dụng giai đoạn thị trường F&B tái cơ cấu hậu Covid-19, nhiều vị trí đắc địa ở các bùng binh lớn trong trung tâm thành phố bị trả lại, Katinat đã “nhanh chân” tới thuê hàng loạt.
Khác với những cơ sở trước, Katinat dường như quyết định “chơi lớn” khi đầu tư xây dựng những không gian mới rộng rãi, cao tầng, đồng thời thay đổi nhận diện thương hiệu, concept và màu sắc cửa hàng.
Từ con số 10 cửa hàng nhỏ ở thời điểm cuối năm 2021, Katinat hiện đã mở tổng cộng 47 cơ sở – trong đó 40 cửa hàng được đặt tại TP. HCM. Theo báo cáo thị trường F&B Việt Nam năm 2022 của iPOS, trong khi các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi, sự cạnh tranh từ những cái tên mới đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat ngày một tăng.
Chuyên gia Brian Đặng – Founder Trung tâm đào tạo & tư vấn các giải pháp cho ngành F&B, đã chỉ ra những thế mạnh có thể giúp Katinat chinh phục tệp khách hàng trẻ ở miền Bắc.
“ Concept và sản phẩm của Katinat có chất riêng. Không gian quán có một chút cổ kính Anh Quốc, một chút hơi hướng underground. Sự phá cách trong cả sản phẩm và không gian phù hợp với những bạn trẻ thích phong cách thoải mái ”, ông đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, Katinat tập trung vào nhóm khách hàng gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997 trở về sau) dùng cà phê và trà trái cây, hơn một năm trở lại đây mới đẩy mạnh phát triển thêm trà sữa. Tuy nhiên, ông Brian lưu ý rằng gen Z học bài hoặc làm việc ít chọn Katinat làm nơi lui tới bởi bàn ghế ở đây sát nhau, chủ yếu phục vụ hội nhóm bạn bè tụ họp trò chuyện.
“ Theo những trải nghiệm của tôi ở Hà Nội, tôi chưa thấy đối thủ chính của Katinat tại thị trường này. Ở TP. HCM, đối thủ cạnh tranh trực diện của Katinat có thể là Cheese Coffee. Tại Hà Nội, Cheese Coffee mới có một cửa hàng. Có thể vì lẽ đó Katinat mở nhanh ở thủ đô. Bên cạnh đó, Katinat có sự hậu thuẫn về tài chính của D1 Concepts ”, ông Brian nhận định.
Khác với ông Brian, ông Đào Đức Lộc – Founder của Afood Creative – agency cung cấp giải pháp setup, vận hành và làm marketing cho các doanh nghiệp F&B có cái nhìn không mấy tươi sáng về Katinat.
“ Katinat đang ở giai đoạn đỉnh của biểu đồ hình sin ”, ông Lộc thẳng thắn.
Laika đã có mặt khắp các ngã tư lớn ở Hà Nội, Katinat “phủ sóng” như thế nào?
Theo ông Lộc, có 3 lý do khiến Katinat khó “phủ sóng” rộng rãi tại Hà Nội như TP. HCM:
“ Thứ nhất, mật độ mặt bằng trong TP. HCM dày hơn Hà Nội rất nhiều. Đường sá to, mặt bằng rộng. Hà Nội không như vậy.
Thứ hai, người dân TP. HCM đã rất quen thuộc với việc đi chơi ở các quận vùng ven, mỗi quận đều có khu để giải trí. Còn tại Hà Nội thói quen này chưa được hình thành và có lẽ phải chờ gen Z trưởng thành thêm.
Thứ ba là mức chi tiêu. Người TP. HCM sẵn sàng bỏ tiền cho mức giá ở những quán cà phê dạng chuỗi từ rất lâu rồi ”.
Đánh giá về thị trường đồ uống ở Hà Nội, ông Lộc cho rằng mọi phân khúc đều đã có những thương hiệu xây dựng được chỗ đứng nhất định. Câu hỏi ông đặt ra là liệu Katinat sẽ nằm ở đâu?
“ Điểm đặc trưng của Katinat là được đặt ở các ngã tư, bùng binh. Tuy nhiên tại Hà Nội, khi nghĩ đến chuỗi cà phê có vị trí đắc địa, mọi người liền nhớ tới Laika. Vấn đề là mặt bằng ở Hà Nội luôn khan hiếm. Vậy định hướng chiếm lĩnh mặt bằng đắc địa của Katinat có tạo nên tính cạnh tranh ở Hà Nội? ”, ông Lộc nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, giữa một thị trường cà phê đã bão hòa và tồn tại quá nhiều mô hình, những chuỗi không có định vị và cá tính rõ ràng sẽ đối mặt sức ép lớn trong vài năm tới. Trước hết là những quán cà phê lẻ, hướng đến tệp khách có gu thưởng thức mọc lên ngày càng nhiều. Chi phí đầu tư rẻ hơn, được quản lý tốt hơn, khách trung thành nhiều hơn.
“ Sức ép tiếp theo đến từ bên ngoài. Hiện mới có Starbucks là chuỗi đồ uống từ nước ngoài tạo dựng được chỗ đứng tại Việt Nam. Lấy ví dụ bên Hàn Quốc đang có khoảng 15 thương hiệu cà phê nổi tiếng, điều gì sẽ xảy ra khi họ tiến vào thị trường Việt Nam với kinh nghiệm quản lý và vận hành dày dặn? ”, ông Lộc nói.
Từ những phân tích trên, ông Lộc thắng thắn đánh giá “Katinat sẽ không thành công ở Hà Nội”.
Tuy nhiên dưới góc nhìn của ông Brian, Katinat đang trong giai đoạn thâm nhập thị trường để tăng nhận diện và độ bao phủ, từ đó giúp tăng giá trị thương hiệu.
“ Tôi chưa thấy thách thức của Katinat khi Bắc tiến. Katinat sẽ sớm thâm nhập thị trường Hà Nội ” , ông bày tỏ quan điểm.