Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã thông qua việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, dự kiến hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Hiện, Lâm Đồng và Đắk Nông thuộc khu vực Tây Nguyên với diện tích đất tự nhiên lần lượt là 951,3 nghìn ha và 650,9 nghìn ha. Hai địa phương này có lợi thế phát triển mạnh về nông nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Lâm Đồng và Đắk Nông đều là những vùng trồng sầu riêng, cà phê và một số loại cây công nghiệp khác với quy mô lớn.
Ngoài ra, Lâm Đồng và Đắk Nông còn có trữ lượng khoáng sản bôxít lớn nhất cả nước.
Trong khi đó, Bình Thuận nằm ở khu vực Duyên hải miền Trung với diện tích 794,3 nghìn ha, có thế mạnh phát triển cả về nông lâm thủy sản, công nghiệp và dịch vụ.
Sau khi “về chung một nhà”, tỉnh Lâm Đồng mới (tên dự kiến) sẽ có diện tích tự nhiên lên tới 2.396,5 nghìn ha, trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (trước đây là tỉnh Nghệ An).
Trước khi sáp nhập, quy mô kinh tế của ba địa phương này có những điểm gì đáng chú ý?
Theo số liệu sơ bộ của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng đạt 116.179 tỷ đồng, cao gấp gần 2,5 lần so với tỉnh Đắk Nông (46.508 tỷ đồng). Trong khi đó, GRDP năm 2023 của tỉnh Bình Thuận đạt 114.046 tỷ đồng, chỉ thấp hơn Lâm Đồng 2.133 tỷ đồng
Về thu ngân sách nội địa năm 2023, Lâm Đồng đạt 12.787,9 tỷ đồng – cao hơn tổng thu ngân sách nội địa của cả hai tỉnh Đắk Nông (2.871,7 tỷ đồng) và Bình Thuận (9.362,1 tỷ đồng) cộng lại.
Cơ cấu GRDP của ba địa phương này nhìn chung khá tương đồng, với sự phân bổ giữa các khu vực kinh tế chính.
Cụ thể, tại Lâm Đồng, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 37,4% cơ cấu GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,6%; dịch vụ chiếm 37,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1%.
Ở Đắk Nông, các tỷ trọng tương ứng lần lượt là 39,82%; 19,72%; 36,61% và 3,85%.
Tại tỉnh Bình Thuận, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 24,9%; công nghiệp và xây dựng chiếm 36,84%; dịch vụ chiếm 32,94%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,32% GRDP.
Đáng chú ý, GRDP bình quân đầu người tại ba địa phương này dù tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2023 nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân cả nước (102,9 triệu đồng/người/năm).
Theo số liệu sơ bộ năm 2023, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng đạt 86,4 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 16,5 triệu đồng so với bình quân cả nước.
Tương tự, GRDP bình quân đầu người của Đắk Nông đạt 68,4 triệu đồng/người/năm, Bình Thuận đạt 90,6 triệu đồng/người/năm, lần lượt thấp hơn 34,5 triệu đồng và 12,3 triệu đồng so với mức bình quân cả nước năm 2023.
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thống kê sơ bộ năm 2023 cho thấy, tỉnh Đắk Nông không thu hút được dự án FDI nào.
Tại tỉnh Lâm Đồng, có 2 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 1,4 triệu USD, vốn thực hiện đạt 15,3 triệu USD – bao gồm cả phần vốn giải ngân từ các dự án đã được cấp phép trước đó.
Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 3 dự án FDI được cấp phép trong năm, với tổng vốn đăng ký lên tới 1,34 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 127,6 triệu USD.
Ba địa phương này có thế mạnh về nông, lâm, thủy sản và dịch vụ nên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá còn tương đối khiêm tốn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Bình Thuận đạt 760,9 triệu USD; Lâm Đồng đạt 564,4 triệu USD; còn Đắk Nông đạt 100,3 triệu USD.
So với năm 2022, chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức tăng trưởng gần 14,3%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Bình Thuận và Đắk Nông lần lượt giảm 7% và 10,3%.
(Bài viết sử dụng dữ liệu từ Tư liệu kinh tế – xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023; số liệu trong Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê; Báo cáo thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu của Cục Hải quan).
>>Tỉnh rộng nhất Việt Nam dự kiến không sáp nhập sẽ quy hoạch đô thị hơn 1.000ha với đầy đủ khu chức năng
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ba-tinh-sap-nhap-thanh-tinh-lon-nhat-ca-nuoc-kinh-te-co-gi-dang-chu-y-212452.html