Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều biến động, các doanh nghiệp gặp khó trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải thoái vốn tại các công ty liên kết để cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tiềm năng.
Doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi công ty dự án
Việc CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, mã TAL) thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư TAH, chủ đầu tư dự án tổ hợp văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ trên ô đất B2CC4 Hồ Tây có lẽ là thương vụ có giá trị cao nhất năm qua.
Theo BCTC quý III/2023 của Taseco Land, giá trị đặt cọc mua cổ phần liên quan đến công ty con này tính đến 30/09/2023 xấp xỉ 710 tỷ đồng.
Trước đó, CTCP Đầu tư TAH chỉ mới trở thành chủ đầu tư dự án B2CC4 khu đô thị Tây Hồ Tây chưa đầy một năm về trước, sau khi nhận chuyển nhượng từ CTCP Phát triển THT.
Một doanh nghiệp khác cũng rút lui khỏi dự án bất động sản đó là CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT) hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ hơn 12% vốn CTCP Du lịch Tân Phú vào cuối tháng 9/2023.
Đây là đơn vị phát triển dự án khu nghỉ dưỡng Emeralda Ninh Bình Resort. Việc rút vốn đầu tư khỏi dự án Emeralda Ninh Bình Resort sau hơn một thập kỷ được NVT lý giải là nhằm cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính
Thương vụ thoái vốn liên quan đến các công ty chứng khoán
Năm qua, lĩnh vực chứng khoán cũng ghi nhận không ít thương vụ thoái vốn. Một trong số đó là việc cổ đông lớn nhất của CTCP Chứng khoán Everest (mã: EVS) – CTCP là Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn thoái toàn bộ 32 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,42%) trong thời gian từ ngày 6 – 26/12/2023.
Sau giao dịch, Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn không còn là cổ đông của EVS. Đơn vị này cho biết mục đích thoái vốn là nhằm tăng vốn lưu động của Công ty.
Từ ngày 06-26/12, cổ phiếu EVS ghi nhận các giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng 32 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch hơn 269 tỷ đồng, tương ứng giá bán bình quân 8.420 đồng/cổ phiếu.
Tiếp đến, không thể bỏ qua thương vụ Chứng khoán VNDirect (mã: VND) đã thoái toàn bộ vốn tại công ty con duy nhất là Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (IPAAM) từ ngày 13/12/2023.
Đối tác nhận chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã IPA). Sau khi hoàn tất thương vụ, IPA thay thế VND trở thành công ty mẹ sở hữu 100% vốn của IPAAM.
IPAAM thành lập vào năm 2008, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư.
Ba doanh nghiệp này có mối liên hệ mật thiết với nhau. IPA đang là cổ đông lớn nhất của VND với tỷ lệ sở hữu 25,84%. Cùng với đó, ông Vũ Hiền, Chủ tịch HĐQT IPAAM, đồng thời đang là Chủ tịch HĐQT IPA và Thành viên HĐQT VND. Vợ ông là bà Phạm Minh Hương đang là Chủ tịch HĐQT VND và là thành viên HĐQT IPAAM.
Một công ty chứng khoán khác cũng có cổ đông lớn thoái sạch vốn là CTCP Chứng khoán Dầu khí (mã: PSI) và CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS). Trong đó, SMBC Nikko Securities Inc. (Nhật Bản) bán ra gần 9 triệu cổ phiếu PSI (14,9%) vào phiên 06/10, đối tác Nhật Bản chính thức rút khỏi danh sách cổ đông PSI.
Ở chiều ngược lại, công ty chứng khoán cũng rút vốn khỏi các doanh nghiệp mình đang là cổ đông lớn. Đó là Chứng khoán SSI (mã: SSI) thoái hết 3,4 triệu cổ phiếu của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã: SGN), tương đương tỷ lệ 10,18% vào ngày 13/10, giá trị ước tính gần 241 tỷ đồng. SSI chính thức chia tay SGN sau 8 năm đầu tư khi SGN thực hiện IPO vào cuối 2014.
Nguồn tin: https://cafef.vn/kinh-doanh-gap-kho-doanh-nghiep-o-at-thoai-von-dau-tu-trong-nam-2023-188240209152050996.chn