Cuối tháng 8/2024, mạng xã hội xôn xao với thông tin về một cuộc giao dịch lan đột biến (lan var) trị giá 20 tỷ đồng, diễn ra tại một nhà hàng sang trọng ở Bắc Ninh. Sự kiện này thu hút hàng trăm người tham gia, với sân khấu hoành tráng và sự dẫn dắt của MC cùng những màn tung hứng từ người tham gia.
Giao dịch này, với tên gọi “Đổi nhà vườn lấy lan trị giá 20 tỷ”, không phải là điều mới lạ trong giới chơi lan. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng đây là một chiêu thức để tạo sóng, thổi giá lan đột biến, đưa loại cây này trở lại “cơn sốt” ảo.
Trước đó, từ năm 2020 cho tới đầu năm 2022 lan var đã tạo nên cơn sốt trên thị trường khi giá được đẩy lên mức không tưởng. Giai đoạn ‘nóng nhất’, lan 5 cánh trắng Bảo Duy có giá khoảng 2-3 tỷ đồng/cm, 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước có giá 1 tỷ đồng/cm, Bạch Tuyết giá khoảng 100 triệu đồng/cm. Loại lan var rẻ nhất là 5 cánh trắng Hiển Oanh cũng có giá khoảng 5 triệu đồng/cm và 5 cánh trắng Phú Thọ khoảng 1,2 triệu đồng/cm. Thậm chí, nhiều người còn mua “lúa non” tức chưa thấy cây đâu nhưng vẫn đặt vài trăm triệu đồng để mua lan var.
Đến giữa năm 2022, thị trường lan var trầm lắng và năm 2023 thì xuống đáy, trở về với giá trị thực. Đến cuối năm 2023, chỉ từ 100.000 đồng người chơi có thể mua một chậu lan var to. Thậm chí, lan var đã có nụ, có hoa như Hiển Oanh, Phú Thọ, chỉ khoảng 200.000 đồng/chậu (1-2 thân). Cơn sốt lan var năm 2021-2022 đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh tan cửa, nát nhà, nợ nần ngân hàng .
‘Bong bóng’ lan đột biến đang quay trở lại?
Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn (đầu tháng 2/2024), thị trường lan đột biến bắt đầu có dấu hiệu nhen nhóm trở lại khi nhiều cây được chào bán trên mạng xã hội với giá hàng trăm triệu đồng. Kèm theo đó là lời quảng cáo đầy sức hấp dẫn “giữ được lan sẽ thắng lớn” và hình ảnh các túi tiền to, thông tin sắp có giao dịch “khủng” giống năm 2020 – thời hoàng kim của lan đột biến với các cuộc chuyển nhượng bạc tỷ.
Một số tài khoản chào bán những chậu lan đột biến với giá cao ngất. Chẳng hạn một chậu lan đột biến 5 cánh trắng Kinh Bắc được chào bán với giá 350 triệu đồng, lan đột biến 5 cánh trắng tia chớp Pleiku với giá gần 130 triệu đồng…
>> Liên tục khoe biệt thự, xe sang, vợ chồng Đoàn Di Băng có thực sự giàu có?
Tuy nhiên, giá trị thực sự của loại hoa này vẫn là dấu hỏi lớn. Sự kiện giao dịch 20 tỷ ở Bắc Ninh một lần nữa khiến cộng đồng mạng đặt câu hỏi: Phải chăng đây là chiêu trò mới nhằm “lùa gà”?
Năm 2022, nhiều vụ lừa đảo liên quan đến lan đột biến đã bị đưa ra ánh sáng. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Quách Văn Hải cùng các đồng phạm mức án từ 6 đến 12 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi họ sử dụng các tài khoản Facebook ảo để bán lan đột biến giả, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, một vụ án trộm cắp liên quan đến hai chậu lan đột biến trị giá 750 triệu đồng cũng đã khiến Nguyễn Phi Long bị tuyên phạt 7 năm tù.
Những câu chuyện này là bài học cảnh tỉnh cho những ai muốn tham gia vào cuộc chơi lan đột biến. Nhưng dường như, thị trường vẫn chưa hoàn toàn “tỉnh giấc,” khi cơn sốt ảo vẫn tiếp tục lặp lại. Liệu đây có thực sự là cuộc chơi đơn thuần, hay đã biến tướng thành các chiêu trò lừa đảo tinh vi, nhằm mục đích thổi giá và lũng đoạn thị trường cây cảnh?
Cộng đồng đã trở nên cảnh giác hơn nhưng vẫn cần tỉnh táo trước những chiêu trò thổi giá
Các giao dịch lan đột biến với mức giá “khủng” trong thời gian gần đây khiến dư luận vừa bất ngờ vừa hoài nghi. Tuy cộng đồng đã trở nên cảnh giác hơn sau những sự kiện tương tự trước đây nhưng vẫn cần đề cao cảnh giác để không bị cuốn theo làn sóng mới của những đối tượng đầu cơ.
Một luật sư chia sẻ với báo Công Thương rằng các giao dịch “mập mờ” được chia sẻ trên mạng xã hội cần được các cơ quan chức năng điều tra và giám sát chặt chẽ. Nếu các giao dịch này là thật, cần minh bạch và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Ngược lại, nếu đây chỉ là trò lừa đảo, các cơ quan chức năng như công an, cơ quan thuế, và quản lý thị trường cần vào cuộc để ngăn chặn những hệ lụy tiềm ẩn.
Ảnh: Facebook
Hồi đầu năm 2024, trả lời VTC News, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật cảnh thành phố Hà Nội, cảnh báo: ” Khách hàng cần tỉnh táo quan sát. Bây giờ nếu có người nói “Bàn giao chậu lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ giá 500 triệu đồng” thì nếu đúng cũng có khả năng là chậu hoa lan này đã được chốt giao dịch từ thời điểm lan đột biến còn đắt đỏ, đến bây giờ người ta mới bàn giao. Đây chắc chắn không phải giao dịch xuất phát ở thời điểm hiện tại”.
Ông Nguyên cũng nói thêm, nếu liên tục xuất hiện các giao dịch lan đột biến với giá trị cao đến khó tin thì người tiêu dùng nên cẩn trọng, tránh để bị cuốn vào một “làn sóng” làm giá lan đột biến mới.
Theo ông Nguyên, sau một thời gian bị đóng băng, thị trường lan đột biến đã có sự sàng lọc nhất định. Hiện tại, những nhà vườn lớn và những người sưu tầm lan nhiều năm bắt đầu có những hoạt động giao lưu, trao đổi trở lại trên cơ sở một số địa phương công nhận lan là một loại cây đặc hữu, đưa cây lan vào xây dựng thành sản phẩm ocop.
“Người tiêu dùng nên nhìn vào bản chất của thị trường, tránh để những “giao dịch ảo” mang tính thổi giá, “lùa gà” dẫn dắt tư duy của mình” , ông Vương Xuân Nguyên khuyến cáo.
>> Chân dung ông chủ CTCP Sữa Hà Lan đã sản xuất và đưa ra thị trường hàng vạn hộp sữa bột kém chất lượng
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/lan-dot-bien-vua-trao-tay-gia-20-ty-kich-ban-cu-cua-bong-bong-da-no-154998.html