2021-2022 là giai đoạn bùng nổ của kinh tế số mà Covid-19 như một sự kiện “thiên nga đen”, nhưng mang “cú hích” để ngành thương mại điện tử vươn mình mạnh mẽ. Sự bùng nổ của TMĐT được đánh giá đã tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng, qua đó đóng góp quan trọng và đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Đến lúc doanh nghiệp cần “xoay ngược vào trong”
Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có phần không nhỏ đến từ sự phát triển đáng kể của lĩnh vực thương mại điện tử, khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam năm 2022.
Sau giai đoạn bùng nổ 2021-2022, thương mại điện tử cũng bước vào chu kỳ mới với những sự thay đổi đáng kể. Những gì từng được ngợi ca là tiến bộ và cách mạng cách đây 10 năm giờ đã trở thành điều bình thường tất yếu. Mặt khác, ngày càng nhiều doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực tiềm năng này, cũng như các tiêu chí đánh giá trải nghiệm của người dùng dần dịch chuyển theo hướng sâu sắc và tinh tế hơn.
Trước bối cảnh này, doanh nghiệp khó có thể trông đợi vào một hay nhiều sự kiện để “cưỡi sóng” như giai đoạn vừa qua. Giờ đây, họ cần “xoay ngược vào trong” để tìm kiếm lời giải đáp. Cụ thể, đó là tập trung cho những giá trị dài hạn để phát triển bền vững thay vì chạy theo các chỉ số đánh giá ngắn hạn như lượng truy cập vào website hay “cuộc đua” cạnh tranh giảm giá.
TMĐT chiếm hơn một nửa trong tổng doanh thu của nền kinh tế số trong nước.
Theo đó, phát triển bền vững trên TMĐT là tạo ra những giá trị thiết thực và dài hạn từ chính chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp đến người tiêu dùng. Báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số do Lazada phối hợp VCCI và các chuyên gia công bố ngày 21/3 chỉ ra 4 khía cạnh chính cấu thành mô hình TMĐT phát triển bền vững, bao gồm: Phát triển kinh doanh bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Với kinh doanh bền vững, doanh nghiệp cần đặt trọng tâm vào mô hình ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Ở khía cạnh cơ sở hạ tầng, các hạng mục đầu tư hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu, công nghệ tự động hóa được chú ý để phục vụ mục tiêu số hóa. Trên góc độ nhân lực, nguồn nhân sự số chất lượng cao, có chuyên môn về CNTT và kỹ thuật số sẽ ngày càng được săn đón. Với khía cạnh cuối cùng, sự quan tâm nâng cao trải nghiệm của khách hàng sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều sáng kiến và ý tưởng mới mẻ, ứng dụng công nghệ để mang lại dịch vụ hài lòng nhất cho người dùng.
Từ việc phân tích và đánh giá sâu sắc các khía cạnh trên, báo cáo nhận định TMĐT Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới, tập trung cho phát triển bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ thông qua việc đầu tư có chọn lọc, tối ưu chi phí. Tuy nhiên, phát triển bền vững là một hành trình dài hơi, đòi hỏi các doanh nghiệp TMĐT phải có sự kiên định cùng chiến lược phát triển và đầu tư phù hợp.
Có hay không sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng và phát triển bền vững?
Nhiều chuyên gia nhận định thị trường TMĐT giống như một bảng xếp hạng âm nhạc: Luôn có sự “đổi ngôi” và xuất hiện những gương mặt mới sau mỗi tháng, mỗi quý hay mỗi năm. Trước một cuộc chơi sôi động như vậy, không ít người phải đặt câu hỏi có hay không sự mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong chiến lược chung của doanh nghiệp.
Trả lời cho những thắc mắc này, ông Đặng Anh Dũng – Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam – nhận định hoàn toàn không có sự mâu thuẫn nào ở đây. Sức ép tăng trưởng luôn hiện hữu, việc đầu tư ngắn hạn có thể đem lại những con số ấn tượng trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể khiến doanh nghiệp bị “đốt sức” quá nhanh. Còn khi doanh nghiệp lựa chọn chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, cả hệ sinh thái được hưởng lợi, từ doanh nghiệp TMĐT đến nhà bán hàng và người tiêu dùng, tạo ra tác động kép, sức mạnh cộng hưởng cho sự phát triển lâu dài.
Phát triển kinh doanh bền vững mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp số.
Những phân tích trong báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số đã cho thấy việc lựa chọn xây dựng chiến lược phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp TMĐT thu về nhiều lợi ích, trong đó phải kể đến tăng cường độ tin cậy và niềm tin của khách hàng. Mô hình TMĐT bền vững được tạo ra khi doanh nghiệp đặt khách hàng ở vị trí cốt lõi của chiến lược kinh doanh. Điều này giúp tạo ra tập người dùng trung thành và thu hút thêm khách hàng mới cho doanh nghiệp.
Phát triển kinh doanh bền vững cũng tạo lợi thế để doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả và thu hút nhân tài tốt hơn, bồi đắp giá trị mang đến cho người tiêu dùng. Ngoài ra, mô hình thương mại điện tử bền vững còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xanh bằng cách tăng cường đổi mới công nghệ, tạo việc làm và giảm tác động đến môi trường tự nhiên.
Hơn hết, với tư duy phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ hình thành những giá trị dài hạn cho chính mình, khách hàng và toàn xã hội. Điều đó được thể hiện qua cách doanh nghiệp vận hành cũng như truyền tải những thông điệp tích cực, trùng khớp với tiêu chí và chiến lược đề ra.
“Với các doanh nghiệp TMĐT, việc xây dựng và theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững không chỉ xảy ra trong vài tháng hay vài quý. Đó là quá trình phát triển đồng bộ, lâu dài ngay từ triết lý kinh doanh, tích hợp vào mô hình kinh doanh lõi. Nhờ vậy, những mục tiêu tăng trưởng bền vững này sẽ không bị ‘rơi rớt’ dưới sức ép của thị trường. Sự khác nhau giữa công ty phát triển bền vững với không bền vững nằm ở sự đồng bộ này”, vị Phó tổng giám đốc Lazada nhấn mạnh.
Tóm lại, phát triển bền vững không thể là ý định của một cá nhân trong một tháng hay một quý. Đó là nỗ lực của toàn thể doanh nghiệp trong dài hạn nhằm mang đến những giá trị tối ưu cho khách hàng lẫn các bên đối tác. Doanh nghiệp xác định chuyển mình sang bền vững có thể đối mặt với nhiều thử thách, song những kết quả mang lại đủ xứng đáng để hành động từ bây giờ.