Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp vừa có thông báo gửi Công ty TNHH Garmex Quảng Nam – công ty con của CTCP Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán GMC) – về việc đấu giá lô đất không thành lần một.
Đơn vị đấu giá cho biết đã tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất (đất thuê trả tiền 1 lần) và công trình xây dựng tại thửa đất của Garmex ở cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Lô đất rộng 26.000m2, có thời hạn sử dụng đất tháng 5/2063. Giá khởi điểm là 156 tỷ đồng. Thuế giá trị gia tăng và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng khi thực hiện mua lô đất sẽ do người trúng đấu giá chi trả. Song, đến hết hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá (17h ngày 27/5) không có khách hàng đăng ký tham gia.
Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp tiếp tục thông báo đấu giá lại tài sản trên với giá khởi điểm giữ nguyên so với lần đầu. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá chậm nhất đến 17h ngày 18/6.
Hồi tháng 2/2024, Garmex Sài Gòn (GMC) đã lấy ý kiến cổ đông việc chuyển nhượng thửa đất nêu trên. Ngoài ra, Garmex Sài Gòn còn lấy ý kiến về việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 50.173m2 và công trình xây dựng trên đất tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khu đất trên thuộc quyền sử dụng của Garmex Sài Gòn và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận vào năm 2014.
Việc liên tiếp rao bán tài sản diễn ra trong bối cảnh Garmex Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, tình trạng không có đơn hàng kéo dài. Năm 2022 là một năm nằm ngoài mọi tính toán với Garmex Sài Gòn khi công ty lỗ sau thuế tới gần 85 tỷ đồng. Trong suốt quá trình hoạt động của công ty từ năm 2005, lần đầu tiên công ty lỗ tới hơn 80 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối quý 1/2024, công ty còn 34 nhân sự – giảm gần 4.000 nhân sự so với năm 2022.
Ngoài tình hình khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, Garmex Sài Gòn còn chịu tác động dây chuyền từ sự việc đối tác lớn Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,… Sự kiện này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.
Năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng để hoạt động, đơn hàng nhỏ, năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không bù đắp chi phí. Công ty đã phải tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
Từ tháng 5/2023 đến nay, Công ty tạm ngưng sản xuất (bao gồm may trang phục và tủ vải) do chưa nhận được đơn hàng. GMC chỉ giữ lại nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp để bảo quản hàng lưu kho, rà soát các tài sản không còn dùng để chuẩn bị thanh lý nên vẫn phát sinh chi phí cho ngành hàng may dù không có doanh thu.
Để giảm thiểu thiệt hại, Công ty đang tiến hành khai thác tài sản hiện có để vượt qua khó khăn. Cụ thể, tháng 9-10/2023, Công ty đã bán thanh lý một số máy móc thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Đến tháng 12, Công ty tiếp tục đấu giá thêm xe ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp nhưng chỉ đấu giá thành công lô máy giặt, máy sấy công nghiệp.
Nguồn tin: https://cafef.vn/khong-co-don-hang-giam-gan-4000-nhan-su-cong-ty-det-may-rao-ban-lo-dat-26000m2-tai-quang-nam-voi-gia-156-ty-nhung-khong-ai-mua-188240611143320016.chn