6 tháng đầu năm được xem là cơn bĩ cực của toàn ngành dệt may, tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận 19,1 tỷ USD (-17,0% YoY). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu may mặc ghi nhận 15,7 tỷ USD (-15,4% YoY). Mức sụt giảm này chủ yếu bởi mức tiêu dùng suy yếu tại thị trường xuất khẩu, và các nhãn hàng giảm lượng lưu trữ hàng, đồng thời thận trọng trong việc đặt đơn mới.
Đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ và thực hiện được hơn 74% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.
Tình trạng thiếu đơn hàng, biên lợi nhuận co mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc đi lùi lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành.
Một loạt những tên tuổi đình đám như Dệt may Huế (Huegatex, UPCoM: HDM) và Dệt may Hòa Thọ (HOSE: HTG), Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK), May Sông Hồng (HOSE: MSH), Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đều có tăng trưởng lợi nhuận âm.
Ngay cả ông lớn trong ngành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cũng không tránh khỏi khó khăn chung khi lãi ròng quý III giảm 77%, xuống còn 27 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của “ông lớn” ngành dệt may tăng trưởng âm.
Trái ngược với không khí ảm đạm của hầu hết doanh nghiệp dệt may, Tổng Công ty May 10 (UPCoM: M10) là đơn vị hiếm hoi đạt được tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý III và cả 9 tháng đầu năm.
Quý III năm nay, M10 là doanh nghiệp hiếm hoi có mức lợi nhuận trước và sau thuế tăng trưởng dương so với năm ngoái. Cụ thể: Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 38,5 và 31,5 tỷ đồng; lần lượt tăng 27% và 26%.
9 tháng đầu năm, M10 đạt doanh thu 3.035 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điểm sáng của M10 là giữ được biên lợi nhuận gộp, thậm chí có phần nhỉnh hơn so với năm ngoái (gần 11% so với gần 10% của 9T đầu năm 2022).
Trước đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam – Vinatex (VGT) trong báo cáo tài chính quý III/2023 cho biết đơn hàng thiếu hụt, DN buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp để đảm bảo mức lương cho người lao động bình quân trên 8 triệu đồng/tháng. Vinatex cũng cho biết với mức giá của các đơn hàng nhận được, thì mức lương bình quân lao động chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/tháng.
Giá đơn hàng thấp trong khi tổng giá trị đơn hàng giảm đã “ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn” – giải trình của Vinatex cho biết.
Tương tự như VGT, phần lớn các DN dệt may đều giảm biên lợi nhuận gộp trong 9T đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, M10 kiểm soát được chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh đạt 92 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 90 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Sau thuế, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận 77 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Công ty May 10 là công ty cổ phần có 33,82% vốn Tập đoàn Dệt May Việt Nam và 66,18% vốn của cổ đông khác. Đến hết quý III/2023, May 10 có 2 công ty con và 6 đơn vị hạch toán phụ thuộc, số lượng lao động bình quân trong năm 2022 của M10 là 7.143 người với thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/người/tháng.
Kết thúc năm 2022 với kết quả kinh doanh khả quan, May 10 đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 15%. Đáng chú ý, số lượng lao động bình quân theo kế hoạch của M10 đặt ra cũng tăng hơn so với 2022, lên tới 8.000 người.
Dự đoán được trước các khó khăn sẽ đối mặt trong năm 2023, Ban lãnh đạo May 10 đã đưa ra một số biện pháp như: Giảm tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ Chi phí/Doanh thu, giảm hàng tồn kho và số ngày tồn kho bình quân,.. Đánh giá phân tích hiệu quả từng chủng loại sản phẩm, từng khách hàng, nâng cao tính chuyên môn hoá.
Với thị trường nội địa, doanh nghiệp triển khai rà soát và phát triển hệ thống các kênh phân phối, mở thêm các cửa hàng, đại lý có quy mô lớn, hiện đại, da dạng chủng loại sản phẩm; phát triển thêm dòng sản phẩm mới, nhãn hàng mới: thời trang nữ, veston cao cấp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chú trọng tới việc đầu tư nhà xưởng, thiết bị công nghệ tự động hoá theo hướng nhà máy xanh phù hợp tiêu chuẩn LEED.
Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để làm hàng FOB và ODM.
Tổng công ty May 10 – CTCP ra đời từ năm 1946, tiền thân là xưởng may quân trang ở chiến khu Việt Bắc. Trải qua giai đoạn phát triển, chuyển đổi mô hình, đến năm 2010 chuyển đổi sang mô hình cổ phần.
Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 302,4 tỷ đồng. Tổng tài sản đến 30/9/2023 là 2.262 tỷ đồng.