Chuỗi đồ uống Katinat liên tục vấp phải các phản ứng trái chiều khi nhiều sự việc không đáng có xảy ra trong thời gian gần đây. Những lùm xùm này đã đặt ra câu hỏi lớn về cách thức thương hiệu quản lý và định hướng truyền thông trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành F&B.
Ngày 18/11, một cửa hàng Katinat tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị phát hiện sử dụng tem dán có nội dung gây hiểu nhầm và liên tưởng tiêu cực tới một nhân vật đang vướng vào các vấn đề pháp lý. Hình ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, kéo theo làn sóng chỉ trích gay gắt.
Katinat lập tức đưa ra thông cáo báo chí vào ngày 20/11 để trấn an dư luận. Trong thông cáo, thương hiệu khẳng định đây là hành động bộc phát của cá nhân nhân viên và đã xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng thương hiệu này thiếu kiểm soát nội bộ và cần xem xét lại chiến lược truyền thông.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Katinat từng gây tranh cãi với chiến dịch ủng hộ 1.000 đồng/ly nước cho người dân miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Dù mục tiêu được đánh giá là tích cực và nhanh chóng nhưng cách triển khai chiến dịch bị cho là thiếu minh bạch và chưa tạo được niềm tin từ khách hàng.
>> Bí quyết giúp Phê La của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên Kim trở thành trào lưu ‘cà phê lúc bình minh’
Là một thương hiệu đồ uống đang được giới trẻ yêu thích, Katinat trong thời gian ngắn đã liên tiếp phải giải thích và xin lỗi đồng thời đối diện với áp lực lớn trong việc củng cố hình ảnh thương hiệu. Mặc dù những vụ việc đều được giải quyết gần nhưng ngay lập tức nhưng cũng phần nào làm giảm lòng tin của khách hàng và gây tổn hại đến uy tín mà thương hiệu đã nỗ lực xây dựng từ năm 2020.
Theo các chuyên gia, những vấn đề mà Katinat gặp phải đều có nguồn gốc từ việc quản lý thiếu chặt chẽ ở cấp độ vận hành cửa hàng cũng như các chiến lược truyền thông không được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Phùng Thái Học, chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, nhận định: “Việc tận dụng các xu hướng xã hội hoặc chiến dịch truyền thông nhanh nhạy có thể mang lại hiệu quả ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ, chúng dễ dẫn đến hiểu lầm hoặc bị đánh giá là ‘content bẩn’, gây thiệt hại lớn hơn cho thương hiệu”.
Để vượt qua khủng hoảng, Katinat cần tập trung vào việc cải thiện quản lý nội bộ, đặc biệt là quy trình đào tạo nhân viên và kiểm soát chất lượng dịch vụ tại các cửa hàng. Song song đó, thương hiệu cần đưa ra các chiến lược truyền thông minh bạch, có chiều sâu và hướng đến giá trị bền vững thay vì chạy theo xu hướng ngắn hạn.
Việc liên tục đưa ra lời giải thích không phải là giải pháp lâu dài. Thay vào đó, Katinat cần xây dựng niềm tin từ khách hàng bằng cách hành động thực tế, chứng minh sự cam kết với giá trị cốt lõi và trách nhiệm xã hội.
Đối với vụ việc lần này, thương hiệu này đã thực hiện một số biện pháp, như rà soát lại quy trình vận hành, tăng cường kiểm soát các hoạt động truyền thông, và đào tạo lại đội ngũ nhân viên. Đây là những nỗ lực bước đầu để giảm thiểu rủi ro và hướng đến việc tạo dựng lại lòng tin từ khách hàng.
Tuy nhiên, liệu các biện pháp này có đủ để giúp Katinat vượt qua khủng hoảng và lấy lại niềm tin của khách hàng hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Trách nhiệm của thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc giải quyết các sự cố, mà còn phải xây dựng được một chiến lược dài hạn để tránh lặp lại sai lầm trong tương lai.
>> KATINAT lên tiếng sau sự việc tem dán gây tranh cãi, lập tức sa thải nhân viên vi phạm đồng thời rà soát toàn hệ thống
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/katinat-lien-tiep-vuong-lum-xum-tan-dung-xu-huong-lam-truyen-thong-hay-tu-tao-khung-hoang-179016.html