Ngày 20/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện nhằm tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025, hướng tới mục tiêu tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối Trụ sở Chính phủ với 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong năm 2024, gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với trọng tâm là kinh tế, đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Các chuyến thăm của Thủ tướng tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Saudi Arabia, Hungary, Romania, Dominica, cùng các chuyến công tác tại Trung Quốc, Nga… đã đạt được nhiều thành tựu. Nhân dịp các chuyến thăm cấp cao này, hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
>> Intel, Ampere, Marvell cùng loạt ‘ông lớn’ bán dẫn Hoa Kỳ ‘đổ bộ’ Việt Nam
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng được mở rộng, nâng tầm và phát triển toàn diện. Việt Nam đã nỗ lực làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và lao động với những thị trường lớn cùng các đối tác đầu tư quan trọng, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ và Trung Đông.
Trong đó, quan hệ với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã đạt được những bước tiến đáng kể. Đặc biệt, hoạt động ngoại giao kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn và đổi mới sáng tạo… đã được đẩy mạnh với các đối tác chủ chốt và nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Nhiều tập đoàn hàng đầu như Apple, Intel, Google, NVIDIA, Samsung, LG, Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens… đã tăng tốc đầu tư và hợp tác tại Việt Nam. Đáng chú ý, Apple đã hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.
>> Apple đã hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam
Đặc biệt, Intel, một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành chip và công nghiệp bán dẫn, đã mở rộng giai đoạn hai của nhà máy kiểm định chip bán dẫn tại TP.HCM, tổng giá trị đầu tư lên tới 4 tỷ USD.
Vào năm 2023, trả lời về tình hình hoạt động đầu tư tại Việt Nam, một lãnh đạo cấp cao của Intel khẳng định doanh nghiệp cam kết là đối tác lâu dài, tin cậy và tiếp tục đồng hành với Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Intel nhấn mạnh rằng nhà máy tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip của tập đoàn trên toàn cầu. Hiện tại, nhà máy này đang sản xuất các sản phẩm vi xử lý Raptor Lake thế hệ mới cùng vi xử lý thế hệ tiếp theo là Meteor Lake. Đáng chú ý, tổng sản lượng của nhà máy tại Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng của hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định toàn cầu của Intel.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, Intel bày tỏ sự hài lòng đối với môi trường chính trị – xã hội ổn định, lực lượng lao động trẻ và tài năng, cũng như vị trí địa lý chiến lược ngay trung tâm châu Á. Đây là những yếu tố quan trọng để Intel tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Những điều kiện thuận lợi này đã thúc đẩy tiềm năng sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Với dự án đầu tư tỷ đô của Intel trong thời gian qua, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ cao toàn cầu. Việc hoàn thiện chính sách và cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, thúc đẩy sản xuất và phát triển công nghệ tiên tiến hơn.
>> Nvidia, Foxconn, Intel… liên tục rót vốn đầu tư, quy mô thị trường bán dẫn Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/intel-mo-rong-giai-doan-2-nha-may-kiem-dinh-chip-tai-tp-hcm-tri-gia-4-ty-usd-186615.html