Agile Vietnam Conference là hội nghị thường niên được tổ chức bởi Cộng đồng Agile Việt Nam – tổ chức Agile phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam chuyên thúc đẩy các nguyên tắc và thực hành phát triển Agile.
Hội nghị năm nay, với chủ đề Business Agility đã thu hút sự tham gia chia sẻ của hơn 40 diễn giả, mang đến nhiều bài học thực tế giá trị về quá trình chuyển đổi linh hoạt của các doanh nghiệp. Nội dung 32 bài tham luận tại hội nghị tập trung thảo luận về Agile Optimization, Continuity, Innovation, Digital và Resilience cùng với nhiều bài học thực tế giá trị về quá trình chuyển đổi linh hoạt của các doanh nghiệp. Bên cạnh các bài tham luận về lý thuyết và phương pháp chuyển đổi Agile và chuyển đổi số, rất nhiều những câu chuyện thực tế đắt giá về quá trình chuyển đổi Agile và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp lớn như: MSB, Rạng Đông, Tyme,… cũng đã được các diễn giả chia sẻ và thảo luận sôi nổi.
Trong bài tham luận với chủ đề “An overview of sustainable workforce and how it can help businesses growth”, ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số – FPT Digital, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT và tư vấn xây dựng năng lực số cho nhiều khách hàng trong và ngoài nước, đã chia sẻ về một trong những việc cần tập trung thực hiện và ưu tiên, đó chính là xây dựng một đội ngũ nhân lực bền vững. Một đội ngũ sẵn sàng với những sự thay đổi và phát triển nhanh chóng sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Với hơn 16 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp phần mềm, ông Nguyễn Khắc Nhật, CEO CodeGym Việt Nam và thành viên Ban điều hành Agile Việt Nam, đã chia sẻ một số quan sát về những bất cập trong chuyển đổi linh hoạt của các doanh nghiệp Việt. Ông cũng gợi ý rằng các tổ chức cần tiếp cận một cách tổng quan, toàn diện, mỗi cá nhân cũng phải xây dựng bộ năng lực hướng đến sự linh hoạt và môi trường học tập/cải tiến là cần thiết để có được sự linh hoạt.
Đến từ đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về Agile, ông Gerald Cadden, Business Agility & Strategic Advisor – SAFe Inc chia sẻ về khung làm việc Scaled Agile Framework để đạt được sự nhanh nhạy trong kinh doanh. Đây cũng chính là bí quyết giúp nhiều doanh nghiệp tối ưu hóa việc chuyển giao giá trị liên tục để duy trì năng lực cạnh tranh thông qua quản lý chuỗi giá trị (VSM) và tập trung vào Luồng.
Ông Gerald Cadden đến từ SAFe Inc chia sẻ về cách doanh nghiệp đạt được sự nhanh nhạy trong kinh doanh.
Đến từ một ngân hàng thương mại, ông Hoàng Hữu Huy, Head of Innovation and Change Management – Retail Banking và ông Phúc Bùi, Agile Transformation Leader tại MSB đã chia sẻ câu chuyện về hành trình mở rộng Agile của MSB từ các thử nghiệm tại một số team chuyển đổi số tới quy mô toàn hàng, trong đó phản hồi của khách hàng và cán bộ nhân viên là động lực để MSB mở rộng Agile.
Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, ông Quân Nguyễn, Solutions Delivery Manager và ông Phước Nguyễn, Engineering Manager lại đem đến một câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của ngân hàng số Tyme tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, Philippines, Nam Phi. Trong đó, nhấn mạnh bí quyết xây dựng cơ cấu tổ chức dựa trên các Stream Aligned Team và Enabling Team, liên tục cải tiến về kỹ năng, quy trình, năng lực, từ đó nâng cao hiệu suất và năng suất vượt trội.
Bên cạnh những chia sẻ từ khối ngân hàng, công nghệ thông tin, tham luận từ các doanh nghiệp sản xuất cũng đem tới những góc nhìn thú vị. Đó là câu chuyện được chia sẻ bởi ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT của Rạng Đông, một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống với lịch sử hơn 60 năm.
Chia sẻ của ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT Rạng Đông thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Ông Kết chia sẻ về cách thức triển khai chiến lược chuyển đổi số Rạng Đông thông qua các hoạt động như: tái cấu trúc chiến lược sản phẩm, tái cấu trúc mô hình kinh doanh, xây dựng nền sản xuất thông minh, xây dựng đội ngũ tư vấn là các chuyên gia cao cấp, đổi mới sáng tạo và mô hình điều hành ma trận đa chức năng: teamwork – T.shaped – Agile. Với từ khóa chuyển đổi số là “thông minh hóa”, Rạng Đông đã đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và kinh tế suy thoái, với doanh thu năm 2022 lên tới 6.909 tỷ, xuất khẩu 535 tỷ sang 47 quốc gia và đặt mục tiêu doanh thu 17.000 tỷ năm 2025.
Hội nghị Agile Vietnam diễn ra từ 8h00 đến 17h30 ngày 31/05 tại Saigon Prince Hotel, số 63 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Với cách thức tổ chức theo tinh thần Agile, 32 tham luận được trình bày đồng thời tại 4 phòng hội thảo để người tham dự có thể tự chọn chủ đề mình quan tâm, tham gia nghe và thảo luận sôi nổi.
Hơn 40 diễn giả trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế sâu sắc về chuyển đổi Agile & chuyển đổi số tại Agile Vietnam Conference 2023.
Agile Vietnam Conference 2023 với nội dung chuyên môn và thực tiễn phong phú chứng tỏ sự phổ biến và sức hút của Agile đối với doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn. Và Agile sẽ tiếp tục là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay.