Mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường vừa tuyên bố sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Gia Nghĩa– Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ông cho biết thêm công ty Hòa Bình đã cử đoàn cán bộ cùng chuyên gia Trung Quốc – thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Quảng Tây kết hợp với chuyên gia làm đường của Đức, Mỹ tư vấn khảo sát tuyến đường.
Ngày 05/10/2023, Công ty Hòa Bình đã khánh thành đoạn đường mẫu cao tốc với cam kết chất lượng vĩnh cửu, chống chịu được động đất cấp 8.
Theo vị đại gia này, để góp phần thu hút nhà đầu tư hai bên tuyến đường cao tốc, Công ty Hòa Bình sẽ tự bỏ chi phí đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội như: xây dựng thêm nhà máy nước sạch dọc hai bên tuyến đường để phục vụ nhu cầu tăng cao; Tổ chức xây dựng khu nhà ở xã hội mẫu phục vụ công nhân, quy mô nhà ở cao tối đa 17 tầng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạch, căn tin, dịch vụ, trường học… và giá bán tối đa là khoảng 12 triệu đồng cho 1 m2 sàn nhà ở.
Trước đó, liên danh Vingroup – Techcombank cũng đã có văn bản đề xuất xin đầu tư tuyến cao tốc này.
Được biết, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa– Chơn Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Tuyến đường dài khoảng 140km, điểm đầu tại khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành.
Theo tính toán của UBND tỉnh Bình Phước, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng.
Ngay trước khi “nhảy vào” dự án cao tốc tỷ đô này, ông Đường “bia” đã gây xôn xao thị trường bởi tuyên bố bán khách sạn dát vàng do khó khăn.
Tuyên bố bán khách sạn dát vàng với giá 250 triệu USD rồi không bán nữa
Tháng 3/2023, Đại gia Đường bia tuyên bố bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake giữa trung tâm Hà Nội với mức chào giá cạnh tranh 250 triệu USD đã gây đã gây sốc đối với thị trường bất động sản. Khi đó, chủ tịch Nguyễn Hữu Đường cho biết các tỷ phú Trung Quốc, Ấn Độ và UAE đang xếp hàng chờ mua.
Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, vào ngày 22/9, ông Nguyễn Hữu Đường lại bất ngờ tuyên bố sẽ không bán khách sạn dát vàng với bất cứ giá nào, dù có đối tác trả giá cao ông cũng không bán.
Theo lời ông Đường bia, không những không bán cho nước ngoài mà từ ngày 1/10 tới Khách sạn Dolce Hanoi Golden Lake sẽ được nâng tầm lên một nấc mới. Cụ thể, ngoài những phòng hiện chỉ dát vàng nhà vệ sinh thì khách sạn sẽ mở cửa đón khách cho thuê 36 căn phòng hạng sang với tất cả mọi thứ được dát vàng: Phòng tắm, bồn tắm, toilet, giường ngủ, gương, cửa….. Thậm chí cả khăn, áo tắm của khách trong phòng cũng đều được dát vàng.
Nguyên nhân trước đó đại gia Đường Bia phải rao bán khách sạn dát vàng là vì để giải quyết vấn đề lương cho nhân viên và các chi phí trả lãi cho ngân hàng.
Ông từng cho biết, ba năm Covid-19, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2022 còn lỗ hơn bởi đây là năm Hoà Bình khi đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn (gồm 3 khách sạn Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay). Kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh, nhiều tháng liền nhân viên không có lương.
Còn nói về nguyên nhân bỗng nhiên hủy quyết định bán khách sạn, ông Đường cho biết: “Sắp tới Hòa Bình sẽ triển khai 2 dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp có doanh thu, có tiền rồi… không cần bán khách sạn nữa”.
Được biết, sau nhiều tháng chờ đợi, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2895/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng của Hòa Bình với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Cũng với dự án này, doanh nghiệp của ông Đường Bia cũng đã được chấp thuận một dự án Nhà ở xã hội khác ngay tại quận Hoàng Mai.
Chung cư “dát vàng” không có sổ đỏ, cư dân khởi kiện chủ đầu tư
Năm 2021, Công ty TNHH Hòa Bình đã bị cư dân trong Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City nộp đơn khởi kiện.
Theo lời người nộp đơn kiện, từ đầu năm 2014, chủ đầu tư quảng cáo đây là căn hộ tiêu chuẩn 6 sao, dát vàng lô gia, vợ chồng anh đã bỏ toàn bộ số tiền tích góp và vay mượn từ người thân để mua căn hộ tại dự án trên. Nghĩa vụ tài chính của bên mua nhà đã hoàn thành trước chủ đầu tư.
Nhưng sau nhiều lần chờ đợi trong thời gian dài, chủ đầu tư chưa tiến hành làm thủ tục với cơ quan nhà nước để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, thậm chí căn hộ của vợ chồng anh còn chưa được giải chấp.
Khách hàng cho rằng, chủ đầu tư không làm thủ tục để các cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ căn hộ. Mất giá trị căn hộ trên thị trường chuyển nhượng.
Người đâm đơn kiện cũng cho rằng Chủ đầu tư có động thái chây ì, lừa dối khách hàng trong việc tiến hành thủ tục cần thiết để cấp sổ hồng, cũng như thông tin không đúng diện tích căn hộ khi đang bán hàng. Theo đó, diện tích thực tế nhỏ hơn, sai số > 3% vượt quá quy định trong bản hợp đồng mua bán là 1%.
Làm vỉa hè vĩnh cửu, có tuổi thọ lớn hơn 100 năm
Theo Báo đầu tư, hồi cuối năm 2022, Hòa Bình Group đã gửi công văn tới Thủ tướng xin được thí điểm lát đá tự nhiên đoạn vỉa hè diện tích gần 195 m2 tại phố Nam Cao. Theo đó, Hòa Bình dự kiến sẽ thử nghiệm thi công vỉa hè này bằng đá tự nhiên dày 6 cm, có tuổi thọ lớn hơn 100 năm (tuổi thọ vĩnh cửu theo tiêu chuẩn Việt Nam), thời gian thi công là 72 giờ. Hòa Bình đã tham khảo và đúc rút kinh nghiệm thi công vỉa hè tại Paris (Pháp), Roma (Ý), Quảng trường Đỏ (Nga) và đây sẽ là vỉa hè có thời gian thi công nhanh nhất, bền nhất và rẻ nhất thế giới (cùng tiêu chuẩn, chất lượng như nhau).
Dự kiến, với điều kiện thực tế giao thông tại Hà Nội thường xuyên ách tắc, xe cơ giới thường đi lên cả vỉa hè, nên vỉa hè thí điểm của Hòa Bình đáp ứng xe cơ giới có trọng tải dưới 5 tấn có thể đi được.
Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, trong thời gian chờ Thủ tướng và UBND TP.Hà Nội chấp thuận, Hòa Bình đã bắt tay tiến hành thực nghiệm xây dựng vỉa hè theo tiêu chuẩn vỉa hè Quảng trường đỏ tại Moscow (Nga). Địa điểm xây dựng tại địa chỉ số 31 phố Kim Mã, Hà Nội.
Hồi đầu năm, Hòa Bình đã hoàn thành thực nghiệm xây dựng vỉa hè vĩnh cửu và thử tải thành công với xe tải 5,5 tấn.
“Kết quả thực nghiệm cho thấy, thời gian từ khi lát xong vỉa hè đến khi xe ô tô di chuyển trên vỉa hè là 65,5 giờ kết thúc thử tải. Xe ô tô tải trọng tải 5,5 tấn lưu hành trên vỉa hè 200 lần/giờ mà không nứt, vỡ, lún, hỏng. Tôi đảm bảo, vỉa hè này được làm theo tiêu chuẩn Việt Nam có tuổi thọ vĩnh cửu hơn 100 năm”, ông Đường khẳng định.
Giấc mơ V Coca thất bại
Năm 2014, CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình được thành lập, ngoài sản phẩm nước tinh khiết, nước uống không có gas và bia, nhà máy còn sản xuất nước ngọt có ga mang thương hiệu V Cola. Đây là nhà máy sản xuất nước ngọt có ga đầu tiên tại Việt Nam do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Đường từng phát biểu trên truyền thông: “ Hoà Bình đủ tự tin đương đầu với các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực sản xuất nước ngọt có gas dựa trên dây chuyền thiết bị hiện đại nhất thế giới cũng như nguồn nguyên liệu chất lượng quốc tế. Đặc biệt, với giá thành dự kiến thấp hơn 1/3 so với sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm V Cola sẽ tạo giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước theo phương châm “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” .
Có tất cả 4 thương hiệu nước ngọt được Hoà Bình giới thiệu ra thị trường, bao gồm: Vcola, Fansipan, Sport 5, Laranja với thông điệp “Sản phẩm vì sức khoẻ và hạnh phúc của người Việt”.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, các thương hiệu nước ngọt nói trên gần như vắng bóng trên thị trường bán lẻ nước giải khát.