Tỷ phú công nghệ Pavel Durov, người đứng sau ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Telegram, đã bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, Pháp vào ngày 24/8. Vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền Pháp ban hành lệnh bắt giữ do cáo buộc Telegram không kiểm soát đủ mức, các công cụ mã hóa và cáo buộc thiếu hợp tác với cảnh sát có thể khiến Durov bị cáo buộc đồng lõa trong hoạt động buôn bán ma túy, tội ấu dâm và gian lận.
Chính quyền Pháp cho rằng, do sự thiếu kiểm soát này, Durov có thể bị cáo buộc đồng lõa trong các hoạt động tội phạm. Ông hiện đang đối mặt với khả năng lãnh án lên đến 20 năm tù và phải ra hầu tòa tại Pháp.
Ngoài ra, Durov còn có thể phải đối mặt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lên Moscow, do mối liên hệ của ông với Nga. Với tư cách là công dân Pháp, nhà sáng lập Telegram cũng không thoát khỏi những hậu quả pháp lý nghiêm trọng từ phía EU.
>> Vấn nạn mại dâm và lừa đảo trên ‘thiên đường tình dục’ Telegram
Durov, người sinh ra tại Saint Petersburg, Nga, hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 15,5 tỷ USD, đứng thứ 120 trong danh sách các tỷ phú thế giới do Forbes xếp hạng. Trước khi thành lập Telegram, Durov đã nổi danh với việc đồng sáng lập mạng xã hội VKontakte (VK) – được mệnh danh là “Facebook của Nga” khi ông chỉ mới 22 tuổi.
Mặc dù đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, Durov lại phải rời khỏi Nga vào năm 2014 sau khi từ chối yêu cầu của chính phủ Nga về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên VKontakte. Trước khi rời đi, Durov đã phát triển ứng dụng nhắn tin bảo mật Telegram và ra mắt nó vào năm 2013 mà không có bất kỳ thông báo chính thức nào để đảm bảo tính bảo mật.
Telegram nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, thu hút hơn 900 triệu người dùng hàng tháng tính đến tháng 4/2024. Tuy nhiên, nền tảng này cũng gặp nhiều tranh cãi khi trở thành kênh liên lạc chính của tội phạm, hacker để trao đổi về các dịch vụ bất hợp pháp mà không chịu sự kiểm soát.
Có trụ sở chính tại Dubai, Telegram thoát khỏi phần lớn sự giám sát và các yêu cầu thủ tục pháp lý. Durov khẳng định rằng thành công của Telegram đến từ việc không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào, ngay cả đội ngũ của Telegram cũng không thể kiểm soát nội dung của các cuộc trò chuyện bí mật.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm 2022, Telegram đã trở thành nền tảng chính để cả hai bên đưa tin về chiến sự và tình hình chính trị. Ứng dụng này được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chính quyền của ông ưa chuộng, đồng thời cũng là công cụ truyền thông của Điện Kremlin và chính phủ Nga. Telegram đã trở thành một trong số ít nền tảng mà người Nga có thể truy cập tin tức về cuộc chiến.
>> Nóng: Nhà sáng lập ứng dụng Telegram bị cảnh sát Pháp bắt giữ
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/he-lo-khoi-tai-san-khung-cua-cha-de-ung-dung-telegram-vua-bi-bat-153373.html