Nội dung chính
- BYD đang chập chững gia nhập thị trường Việt Nam;
- Trạm sạc, đối thủ nội địa là 2 vấn đề lớn của BYD;
- BYD sẽ chinh phục khách hàng Việt bằng cách nào?
Trong một buổi chiều oi nóng tháng 7, ông Nguyễn Thanh Hải đang chờ tới lượt lái thử trong chương trình của BYD tổ chức tại Bắc Giang. Ông Hải tự nhận mình là một người thích xe, rất có thể sắp mang về một chiếc xe điện cho riêng mình, và cũng rất nóng lòng thử xem sản phẩm từ một thương hiệu Trung Quốc đang cạnh tranh với thương hiệu VinFast của Việt Nam.
Ông chia sẻ: “Hai người quen nhà tôi vừa mua xe VinFast khoảng 1 tháng trước. Có thể tôi sẽ mua 1 chiếc xe của BYD… nhưng quan ngại lớn nhất của tôi vẫn là thiếu điểm sạc”. Ông Hải, nay đã trên 70 tuổi, chia sẻ.
Tại Việt Nam, BYD là một trong những thương hiệu mới tới – ra mắt thị trường từ 18/7 – sau một thời gian dài nghiên cứu xem hãng xe điện hàng đầu thế giới sẽ cần làm gì tại nơi mà VinFast chiếm giữ nhiều thị phần và nắm giữ gần như toàn bộ số trạm sạc.
Nhưng BYD đang nắm giữ non nửa thị phần tại Đông Nam Á, chinh phục được khách hàng tại nhiều thị trường lớn như Thái Lan hay Malaysia khi có giá bán và sản phẩm hấp dẫn. Song, chen chân vào thị trường Việt Nam lại không đơn giản như vậy – theo chuyên gia Abhik Mukherjee tại Couterpoint Research.
Vị chuyên gia này nhận định: “BYD sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn khi vào Việt Nam, chủ yếu do thế gần độc quyền của VinFast với mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc.”
Song song, vị chuyên gia cũng nhắc đến thái độ của người tiêu dùng VIệt Nam với sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, khiến cho BYD khó lòng có được những bước đầu suôn sẻ.
VinFast đang có khoảng 150.000 điểm sạc trên khắp đất nước hình chữ S, nhưng toàn bộ những điểm này đều không mở cho xe ngoài sử dụng. Ngay trước thềm ra mắt thị trường của BYD, VinFast tung ra chiến dịch ưu đãi rất mạnh tay: Miễn phí sạc điện trong một năm tại tất cả các điểm sạc do hãng phát triển.
Trong khi đó, các thương hiệu xe điện khác đang có mặt tại Việt Nam, gồm một vài hãng Trung Quốc như Wuling hay Haima, phải xoay sở với số ít trạm sạc do bên thứ 3 cung cấp. Giám đốc phát triển kinh doanh tại một đại lý BYD Bắc Giang, Vũ Ngọc, cho biết rằng trên toàn Việt Nam có khoảng 100 điểm sạc như vậy.
Vị giám đốc này chia sẻ: “Nhiều khách hàng rất thích xe, nhưng lại lo lắng về vấn đề sạc”.
Ông cho biết rằng khách hàng có thể sử dụng các trạm sạc nhanh đang đặt tại đại lý cũng như hàng chục trụ khác đang mở trên khắp cả nước. Theo kế hoạch, BYD sẽ có khoảng 50 đại lý trải khắp Việt Nam tới hết năm nay; tất cả đều lắp đặt trụ sạc nhanh.
Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam, ông Võ Minh Lực, cho biết rằng khách hàng hoàn toàn có thể sạc xe tại nhà: “Bạn chỉ cần sạc 2 lần mỗi tuần”.
Hiện nay, BYD đang tặng miễn phí bộ sạc và chi phí lắp đặt sạc tại nhà cho những khách hàng đầu tiên.
Nhưng với các thành phố đông đúc ở Việt Nam thì điều đó chưa chắc đã giải quyết được vấn đề – quản lý trang mạng xã hội otosaigon, Ngô Kỳ Lam, nêu quan điểm. Ông cũng cho biết: “Không phải nhà nào cũng có chỗ để ô tô”.
Vị quản lý này cũng cho rằng VinFast đang nắm phần hơn khi nói về trạm sạc công cộng: Hãng xe này có thể tiếp cận với mạng lưới trung tâm thương mại, khu đô thị trải khắp Việt Nam của Vingroup để mở rộng trạm sạc vào bất cứ lúc nào.
Ngoài vấn đề về nơi sạc, hãng xe điện số 1 thế giới về doanh số – BYD – còn phải cạnh tranh với VinFast về giá xe. Hiện nay, BYD Dolphin là mẫu xe có giá thấp nhất được bán tại Việt Nam, khoảng 659 triệu đồng. Trong khi đó, mẫu xe rẻ nhất của VinFast – mẫu VF 3 – có giá bán chỉ bằng khoảng một nửa.
Trên các hội nhóm về xe và cả những hội chuyên về xe của BYD, chiến lược giá của hãng này tại Việt Nam cũng không được đánh giá cao. Nhiều người dùng mạng đã chỉ ra rằng cả 3 mẫu xe mà BYD bán tại Việt Nam – gồm Dolphin, Seal, và Atto 3 – đều có giá cao hơn tại Thái Lan.
Cụ thể, tại Thái Lan, BYD đang bán mẫu Dolphin với giá 570.000 bạt (khoảng 405 triệu đồng), nhưng tại Việt Nam thì có giá niêm yết 659 triệu đồng.
Song, một điều cần nhắc đến BYD đã xây dựng một nhà máy xe tại Thái Lan, giúp giảm giá bán xe. BYD cũng đang bị điều tra tại Thái Lan do liên tục giảm giá xe.
Còn tại Việt Nam, giá xe của BYD có thể không hấp dẫn trong một thời gian đầu do xe đang nhập khẩu từ Trung Quốc và bị áp thuế – theo chia sẻ của chuyên gia ngành xe Nguyễn Đăng Quang. Tuy nhiên, giá xe BYD tại Việt Nam có thể thấp hơn: “Nếu được nhập khẩu từ Thái Lan, giá xe có thể giảm xuống từ 30% đến 50%”.
Lý do là bởi xe trong khu vực Đông Nam Á không bị đánh thuế.
Không chỉ Thái Lan – thị trường xe lớn thứ 3 Đông Nam Á, BYD cũng đã mở một nhà máy tại thị trường xe lớn nhất khu vực – Indonesia. Việt Nam trong năm 2023 là thị trường xe đứng thứ 5 với doanh số hơn 300.000 chiếc – chưa bằng một nửa doanh số của Thái Lan hay Malaysia.
Tuy nhiên, xét riêng về doanh số xe điện thì thị trường Việt Nam tăng trưởng hơn 400% trong quý đầu tiên của năm nay – là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực, theo Counterpoint Research. Các hãng xe Trung Quốc dường như cũng mong muốn có miếng bánh thị phần lớn hơn: Xe của Wuling hiện đang được lắp ráp ngay tại Việt Nam, Chery cũng đã ký kết hợp tác xây dựng nhà máy.
Trên thế giới, BYD hiện là hãng xe điện hàng đầu thế giới: Nhà sản xuất này nắm giữ gần một nửa thị phần tại Đông Nam Á, VinFast chiếm giữ gần 1/5 tổng thị phần. VinFast đã bán ra được 34.885 chiếc xe điện trên khắp thế giới trong năm 2023, còn doanh số BYD thì hơn 3 triệu chiếc.
Ông Ngô Kỳ Lam, quản lý otosaigon, nhận định rằng VinFast “khá thành công khi dựa vào tinh thần dân tộc để xây dựng nên một thương hiệu made in Vietnam”.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng họ sẽ chỉ mua xe của BYD khi bản đồ của xe hiển thị đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.
Theo một chuyên gia về xe, người đã thiết kế đường chạy thử cho BYD tại Việt Nam, ông Vinh Nguyễn: “Nếu bạn theo dõi các bài viết trên mạng, bạn sẽ thấy những người chưa lái thử thì có thái độ đối lập. Còn những người đã ngồi lên lái thử thì đều phản hồi lại là chất lượng rất tốt”.
Tại đại lý BYD Bắc Giang, ông Vũ Ngọc – Giám đốc đại lý – chia sẻ rằng chương trình lái thử thu hút 118 khách hàng với 8 đơn hàng được ký kết. Hầu hết những đơn hàng này đều của người Trung Quốc, vợ/chồng của họ, và những người đã học/làm việc tại Trung Quốc.
Ông cũng nhận định rằng BYD “ban đầu sẽ gặp khó khăn khi xây dựng hình ảnh. Nhưng với sản phẩm tốt thì chắc chắn sẽ gây dựng được lòng tin ở người tiêu dùng Việt Nam”. Ông cũng nhắc đến trường hợp của các thương hiệu Trung Quốc khác đã được người dùng ghi nhận, như Oppo hay Xiaomi.
Còn với ông Nguyễn Thanh Hải, người tham gia chương trình lái thử của BYD Bắc Giang, thương hiệu từ Trung Quốc không phải vấn đề với ông: “Hồi xưa, chiến tranh, tôi lái xe con, xe tải Trung Quốc cả bao nhiêu năm. Xe rất tốt”.
Sau khi cầm lái vô lăng của 2 trong 3 mẫu của BYD, điều mà ông chưa chấp nhận được – bên cạnh chuyện thiếu điểm sạc – là giá bán. Ông chia sẻ về mẫu Dolphin: “Giá xe cao hơn so với các mẫu khác. Tôi sẽ chờ xem”.
Nguồn tin: https://cafef.vn/hang-xe-so-1-the-gioi-thang-o-thai-lan-den-viet-nam-dung-buc-tuong-thanh-vinfast-chi-la-mot-nua-van-de-188240808185900777.chn