Trương Thu Hường: Khi chị nói ba mình nóng tính, điều đầu tiên tôi tò mò là tính cách ấy đã ảnh hưởng tới chị – một nữ lãnh đạo doanh nghiệp như thế nào?
CEO Vưu Lệ Quyên: Ba là người nóng tính nhưng đổi lại ông hào sảng, rộng rãi và vô cùng độ lượng với mọi người. Gần đây, tôi thay mặt ba đi làm hoạt động xã hội và ông đã bỏ kinh phí là tiền tiết kiệm để về hưu của mình. Ba nói với tôi ông vô sản vì tiền bạc bấy lâu nay đều đưa hết cho mẹ (cười). Tôi cảm thấy chuyện đó rất đẹp.
Nhưng bạn biết không, tôi đã có một tuổi thơ khá căng thẳng vì ba nóng tính còn tôi lại vô cùng nhạy cảm. Ba về nhà mà sắc mặt không vui là tôi nhận ra ngay lập tức và nhiều khi, sắc mặt của ông không liên quan tới mình nhưng tôi cứ nghĩ là do tôi mà ra. Cùng môi trường đó, hai em tôi không như vậy. Tụi nó luôn thấy rất hạnh phúc (cười).
Trương Thu Hường: Thế ba mẹ chị có biết về sự căng thẳng đó?
CEO Vưu Lệ Quyên : Phải nói rất thật rằng thế hệ ba mẹ tôi không có đủ điều kiện để học cách làm cha mẹ đủ tốt. Những người trưởng thành qua chiến tranh thường có tuổi thanh xuân rất cực khổ. Họ phải phấn đấu rất nhiều để gây dựng cơ nghiệp. Họ vô cùng chăm chỉ, tiết kiệm, và đôi khi đành lòng đặt con cái của mình sang một bên để lo cho sự nghiệp.
Khi có điều kiện đi Mỹ, ba tôi là người duy nhất trong gia đình chọn ở lại để cống hiến cho Việt Nam. Quyết định đó, cộng thêm bối cảnh xã hội và việc phải xây dựng sự nghiệp với hai bàn tay trắng, những áp lực cuộc sống… khiến ba tôi có những nội kết không dễ gì nói ra.
Tôi rất thấu hiểu và thương cho nỗi đau của thế hệ đi trước. Tôi cũng thường nghĩ nếu đặt mình vào hoàn cảnh đó, chưa chắc đã làm tốt như ba mẹ đã làm.
Và tôi cũng thấy biết ơn ba nhiều lắm. Bởi vì tuổi thơ như thế nên tôi luôn tự nhủ phải học cách thay đổi tư duy bên trong. Qua 12 năm, từ việc rèn luyện kỹ năng sống hạnh phúc đến nay nó đã trở thành năng lực giúp tôi đối mặt, vượt qua mọi bất trắc trong cuộc sống.
Trương Thu Hường : Nói vậy thì một người đã thực tập kỹ năng sống hạnh phúc trong nhiều năm như chị sẽ có cách gì để kết nối sâu sắc với ba mình vì thực tế, tôi thấy rất nhiều người thậm chí không thể nói chuyện với chính những người thân yêu nhất trong gia đình?
CEO Vưu Lệ Quyên : Tôi nghĩ để kết nối với cha mẹ, các con rất cần tạo không gian để phụ huynh chia sẻ với con cái, giúp cả hai cùng hiểu cái khổ, cái khó của nhau. Bởi vì thực ra chính người nhà khi chưa biết cách đã tạo ra nhiều trải nghiệm làm tổn thương nhau nhiều nhất.
Khi trò chuyện và quan sát ba, tôi thấy ông dễ nóng giận và khi giận thì dễ quên hết mọi thứ. Điều đó lặp đi lặp lại. Sau này, tôi mới biết sự nóng giận ấy đến từ tuổi thơ quá cực khổ của ông. Tôi từng hỏi ông: Tại sao bây giờ bối cảnh cuộc sống đã khác xưa rất nhiều mà ba vẫn dễ nóng giận vậy? Rốt cuộc điều gì đang diễn ra và có cách gì, cơ hội nào để ba thay đổi điều đó?
Tôi không đưa ra câu trả lời mà chỉ là người mổ xẻ vấn đề. Vì nếu mình là người hành động thì rất khó nhìn ra và tôi thấy mình có trách nhiệm hỗ trợ ông nhìn ngược lại quá khứ và kể ra những nỗi niềm sâu kín nhất trong lòng. Vì ông là tuýp người nóng tính nên tôi thường phải lựa chọn đúng thời điểm.
Lần gần nhất, tôi thấy mình đã thật sự tạo được không gian để ba nói hết về những gì diễn ra trong cuộc đời ông. Em gái tôi – Lệ Minh thậm chí còn ghi âm lại vì thấy hay quá (cười).
Trương Thu Hường : Đó là ảnh hưởng của ba chị với người thân còn ở công ty, thế hệ sáng lập với những người đã đi qua chiến tranh giống như ông sẽ tác động đến văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
CEO Vưu Lệ Quyên : Nói về Biti’s thì đó đúng nghĩa là thương hiệu di sản (cười). Ở đó lưu trữ rất nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Ví dụ, doanh nghiệp làm ăn một cách rất chân thành, tử tế. Thế hệ ba mẹ với sự chăm chỉ, tiết kiệm đã tạo dựng nền tảng tài chính bền vững. Trong cách vận hành doanh nghiệp, họ luôn chú tâm vào từng sản phẩm, quy trình nhỏ nhất để cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng. Mẹ tôi đến giờ vẫn say mê cải tiến từng đôi giày, từng chiếc túi xách và đó là điều tôi vô cùng trân quý.
Tuy nhiên, trước đây, cách vận hành doanh nghiệp mang nhiều yếu tố hơi “quân đội” (cười). Mọi người làm việc bằng nỗi sợ hãi nhiều hơn là niềm vui. Nhân viên cũng không hiểu được ý nghĩa của công việc và qua đó mình có thể đóng góp gì cho cộng đồng mà chủ yếu vẫn theo hình thức cấp trên giao gì làm nấy.
Cũng có những cuộc đấu tố và nó thường khá nặng nề. Đôi khi có ai đó làm sai và cấp trên chưa tạo đủ điều kiện để họ nói hết lý do tại sao người ta lại làm thế.
Trương Thu Hường : Bây giờ, những cuộc đấu tố có còn xảy ra nữa hay không?
CEO Vưu Lệ Quyên : Chuyện đó khó kết thúc hoàn toàn vì một doanh nghiệp như Biti’s có cả chục ngàn người. Nhưng tần suất đã giảm đi rất nhiều.
Trước đây, chúng tôi chưa xây dựng được cơ chế. Bây giờ, khi có thư phản ánh, chúng tôi sẽ chuyển sang bộ phận chuyên lắng nghe và giải quyết những việc như vậy. Họ được đào tạo qua dự án Happy Biti’s nên rất rõ cách giao tiếp trắc ẩn và nhờ vậy, họ thấu hiểu sâu sắc nhu cầu, cảm xúc của người đấu tố.
Nguyên lý của giao tiếp trắc ẩn là chúng ta không có mâu thuẫn về mặt nhu cầu nhưng lại bất đồng trong cách hành động đề đáp ứng nhu cầu đó. Và nếu ta không chú tâm thì không thể nào biết được: khi người này đấu tố, mục đích sâu xa của họ là gì?
Nhờ có dự án Happy Biti’s, chúng tôi biết cách cùng nhau giải quyết thật rõ ràng, minh bạch các nhu cầu chính đáng, từ đó giúp mâu thuẫn giảm dần.
Ở Biti’s, trước mọi quyết định, chúng tôi luôn cố gắng để có được sự đồng thuận cao nhất. Mọi người hiểu ý nghĩa công việc và biết mình đang đóng góp như thế nào vào kết quả chung. Họ cũng ý thức tầm quan trọng của sự hài hòa giữa cá nhân và tập thể. Qua các khóa học Happy Biti’s, chúng tôi thường xuyên thực tập lòng biết ơn và nhận diện những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhờ những hạt giống tích cực như thế, tổ chức qua thời gian đã có rất nhiều sự chuyển hóa.
Trương Thu Hường : Tôi rất thích cụm từ “chuyển hóa” mà chị vừa nhắc tới và vô cùng muốn nghe những câu chuyện về sự chuyển hóa cụ thể của những cá nhân đặc biệt tại Biti’s…
CEO Vưu Lệ Quyên : Có câu chuyện thế này, một cặp vợ chồng mất kết nối vì không thể giao tiếp được với nhau. Cuộc hôn nhân của họ đang ở ngưỡng sắp tan vỡ. Người vợ sau khóa học Happy Biti’s đã nhận ra cách mà cô trò chuyện với chồng bấy lâu nay chưa phù hợp và kịp thời điều chỉnh. Sau đó, cuộc hôn nhân của họ khởi sắc, cả hai đã có khoảng thời gian rất hạnh phúc. Nhưng tai họa bất ngờ ập xuống khi người chồng không may đột quỵ và mất. Trong lúc đớn đau tận cùng, nhờ rèn luyện kỹ năng sống hạnh phúc, sự hỗ trợ từ cộng đồng Biti’s mà chị ấy đã vượt qua.
Hoặc có một chị là quản lý tầm trung bị mất kết nối với chính con của mình, sau khi tham gia dự án Happy Biti’s, chị nhận ra việc dành thời gian cho con rất quan trọng. Chị ấy dần thay đổi cách sống để dành cho con nhiều thời gian chất lượng hơn. Gần đây, khi con chị bị bệnh nặng, người mẹ cũng học được cách chấp nhận, đồng hành với con.
Đó đều là những câu chuyện người thật việc thật ở Biti’s. Thật lòng tôi nghĩ dự án đã vượt quá khuôn khổ trong doanh nghiệp, giúp nhiều người thay đổi, vững vàng trước sóng gió và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
Trương Thu Hường : Tôi được biết dự án Happy Biti’s do GS Hà Vĩnh Thọ (GĐ Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia Bhutan) hướng dẫn. Ở Bhutan, họ có cách đo lường hạnh phúc riêng, còn ở Biti’s, mọi người sẽ đo lường mức độ hạnh phúc của nhân sự như thế nào?
CEO Vưu Lệ Quyên : Đầu tiên, tôi sẽ giới thiệu để mọi người hiểu đúng về dự án Happy Biti’s. Đây là một dự án được xây dựng nhằm giúp đỡ cho cộng đồng của Biti’s hạnh phúc. Có hai khía cạnh của dự án. Một khía cạnh là nhân viên được học và rèn luyện kỹ năng hạnh phúc. Kỹ năng hạnh phúc ở đây là 3 kết nối: Kết nối bản thân, kết nối người khác, và kết nối với thiên nhiên. Nền tảng các thực tập này là sự chú tâm.
Kết nối bản thân để hiểu sâu sắc bản thân mình là ai, và điều gì đối với mình là quan trọng nhất. Kết nối với người khác thông qua lắng nghe sâu, giao tiếp trắc ẩn. Kết nối với thiên nhiên, dành thời gian để hòa mình vào thiên nhiên, chung sống hài hoà và tôn trọng thiên nhiên.
Khía cạnh thứ hai là doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để nhân sự được thực tập các kỹ năng hạnh phúc thông qua các lớp học trong thiên nhiên, vòng tròn chia sẻ tại công ty mỗi tuần một giờ vào ngày thứ 6.
Doanh nghiệp cũng đo lường sự thành công của cộng đồng mình dựa trên 9 lĩnh vực, gồm: Mức sống, sử dụng thời gian, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, giáo dục, đa dạng và bảo tồn văn hóa, quản trị tốt, sức sống cộng đồng, tính bền bỉ và đa dạng sinh thái.
Trong 9 lĩnh vực đó, điều quan trọng là phải xây dựng sự hài hòa, cân bằng giữa tất cả thành tố.
Hằng năm, Biti’s vẫn thực hiện khảo sát để đánh giá tất cả 9 lĩnh vực này, từ đó biết được chỉ số hạnh phúc của tổ chức đang ở đâu, cũng như xem xét lại những lĩnh vực nào điểm còn đang thấp đề cải thiện.
Tôi có thể tự hào nói rằng theo khảo sát những năm gần đây, chỉ số hạnh phúc ở Biti’s đang ngày càng tăng.
Trương Thu Hường : Trong 9 lĩnh vực đó có thành tố về mức sống. Tôi nghĩ rất nhiều người sẽ quan tâm vấn đề này: Những năm gần đây, khi kinh tế gặp khó khăn, Biti’s làm sao nâng cao mức sống cho nhân viên và khiến họ hạnh phúc với mức sống mình đang có?
CEO Vưu Lệ Quyên : Đúng là Biti’s đã trải qua nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn Covid-19. Năm nay, vì những biến động sâu sắc từ thị trường thế giới và trong nước, các doanh nghiệp sản xuất như Biti’s tiếp tục gặp khó. Từ mấy tháng nay, công nhân ở Biti’s chỉ sản xuất 4 ngày/ tuần và đây là tình hình chung của toàn ngành.
Vậy làm sao Biti’s đảm bảo mức sống cho mọi người? Điều đó đến từ 2 phía. Thứ nhất, chúng tôi tập trung giáo dục tài chính cá nhân cho mọi người để họ hiểu cách làm sao có cuộc sống bền vững hơn. Tôi nghĩ đây là kiến thức rất thiếu ở Việt Nam vì nó không phải môn học được đào tạo trong trường lớp phổ thông.
Thứ hai, trong tình thế khó khăn, chúng tôi thực hiện nhiều chương trình tặng quà, ví dụ tặng nhu yếu phẩm cho mọi người (gạo, mắm, muối…) để họ thấy được sự quan tâm, ấm áp, dù trong lúc khó khăn, tổ chức vẫn sẵn sàng chăm sóc từng cá nhân.
Cộng đồng Biti’s rất lớn nên rất khó để chăm lo thật chu đáo cho từng trường hợp nhưng bất kỳ ai gặp khó, mọi người đều có thể trao đổi trực tiếp với quản lý của họ hoặc chia sẻ với bộ phận nhân sự để công ty tìm cách hỗ trợ.
Như vậy, mức sống phải đến từ cả hai phía là cá nhân mỗi người và doanh nghiệp. Điều này nằm ở chỗ doanh nghiệp phải thực lòng lắng nghe nhân viên, xem xét họ đang có những nhu cầu gì để biết cách ứng xử phù hợp. Vì được đào tạo kỹ năng hạnh phúc qua dự án Happy Biti’s nên khả năng lắng nghe của công ty tốt hơn xưa rất nhiều.
Về chuyện buộc phải giảm giờ làm, chúng tôi cũng truyền thông rất kỹ đến từng người, giúp họ hiểu lý do tại sao có việc đó và cũng chia sẻ luôn bồi cảnh tương lai những tháng tiếp theo để mọi người biết phương hướng mà thu xếp cuộc sống. Để làm tốt điều này một cách khách quan, chúng tôi có tổ chức khảo sát, lấy ý kiến công nhân về việc cắt giảm giờ làm và thật bất ngờ khi 92% công nhân của nhà máy Sài Gòn đều đồng thuận giảm giờ làm để bảo toàn được nhân sự, không ai phải nghỉ việc.
Là người lãnh đạo, tôi rất cảm động với tỉnh thần tương thân tương ái, mọi người đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ trong lúc khó khăn đề không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra trong lúc “nông nhàn”, chúng tôi tập trung vào đào tạo đa kỹ năng, nghiệp vụ giúp mọi người nâng cao năng lực và trình độ nhằm chuẩn bị tốt nguồn lực cho sản xuất và kinh doanh khi nền kinh tế phục hồi.
Trương Thu Hường : Theo cách chị nói thì dường như là trong mỗi lúc khó khăn, Happy Biti’s là chìa khóa giúp chị lãnh đạo doanh nghiệp vượt sóng gió và níu giữ nhân sự?
CEO Vưu Lệ Quyên : Tôi nghĩ rằng ở Biti’s, mọi người có niềm tin rất tốt đẹp với lãnh đạo và doanh nghiệp của mình. Bởi vì chúng tôi phụng sự mọi người với tình yêu thương và sự chân thành nên cái gì đến từ trái tìm sẽ chạm tới trái tim.
Ví dụ trong vấn đề quản trị tài chính doanh nghiệp, chúng tôi rất cẩn trọng và rõ ràng, minh bạch. Chúng tôi không làm bất cứ hành động nào có nguy cơ đặt an sinh của gần 10.000 người vào rủi ro không đáng. Nhờ quản lý tài chính tốt, chúng tôi sẵn sàng nguồn lực để vượt qua khó khăn trong dài hạn.
Còn về việc níu chân nhân tài thì bạn nói rất đúng. Dù công ty gặp không ít thách thức nhưng chỉ số thâm niên ở Biti’s đã tăng 123% từ năm 2018 đến 2022.
Dựa trên 5 nhu cầu cơ bản để một người hạnh phúc: Nhu cầu an toàn vật chất (ăn, mặc, ở…); an toàn cảm xúc; chấp nhận xã hội, nhu cầu học tập phát triển và cuối cùng là cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng.
Tôi không dám nói Biti’s đã đáp ứng đầy đủ hết 5 nhu cầu đó nhưng ít ra chúng tôi thấu hiểu và luôn cố gắng để tất cả nhân sự có được môi trường thuận lợi giúp đáp ứng được 5 nhu cầu ấy.
Trương Thu Hường : Đến bây giờ, chị thấy hiệu quả lớn nhất mà dự án Happy Biti’s đem lại là gì vậy?
CEO Vưu Lệ Quyên : Sau 5 năm thực tập, tôi thấy chương trình đem lại rất nhiều lợi ích cho mọi người. Thứ nhất, họ sẽ cảm thầy lúc nào cũng bình an. Thứ hai, họ nhận diện được những cảm xúc khó của bản thân. Bởi vì con người ta nhìn vậy thôi nhưng phía sau ai cũng có niềm tin và những vấn đề như là thói quen cũ, cách ba mẹ hoặc trường học, xã hội tác động tạo nên những điều khá tiêu cực mà không phải ai cũng nhận ra. Sự thực tập giúp họ nhận diện tốt tất cả điều đó.
Thứ ba, thực tập làm tăng khả năng chú tâm và giúp họ lắng nghe người khác. Điều đó giúp ích cho công việc rất nhiều.
Trương Thu Hường: Cụ thể là mọi người sẽ làm việc tốt hơn nhờ thực tập hạnh phúc như thế nào?
CEO Vưu Lệ Quyên: Khả năng chú tâm rất quan trọng. Ví dụ trong các cuộc họp, mọi người có thể thuyết trình rất nhiều và nếu người tham gia có sự chú tâm, họ dễ dàng nhận ra điểm gì đó chưa ổn. Kỹ năng lắng nghe giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Nghe ở đây không chỉ đơn thuần là nghe và hiểu, mà phải nhận diện được cả sắc diện, ánh mắt, cảm xúc của người đối diện như thế nào để mình có thể đặt câu hỏi chạm đúng cái họ cần.
Ngoài ra, với việc từng người thực tập chú tâm thì chất lượng các cuộc họp tại Biti’s tăng cao dù thời lượng họp giảm xuống, vì chúng tôi loại bỏ được các tranh cãi không cần thiết.
Trương Thu Hường : Tôi thấy tầm nhìn của Biti’s là trở thành thương hiệu châu Á, đem đến hạnh phúc cho mọi người, mọi loài. Điều này phải hiểu thế nào cho đúng?
CEO Vưu Lệ Quyên: Chữ “mọi loài” đến từ dự án “Happy Biti’s”. Ở đó, chúng tôi quan tâm đến việc kết nối với thiên nhiên. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện nhiều hành động nhằm giúp đỡ mẹ thiên nhiên. Điều đó thể hiện ở 3 chiến lược:
Giúp mọi người tăng nhận thức với môi trường bằng cách tổ chức những chuyến retreat cho cán bộ, nhân viên kết nối với thiên nhiên, hay những chiến dịch đưa ra giúp mọi người nâng cao nhận thức môi trường.
Giảm thiểu rác thải trong vận hành và xây dựng lối sống xanh cho cán bộ nhân viên theo hướng giảm tác động xấu đến môi trường.
Giảm thiểu rác thải trong vận hành và xây dựng lối sống xanh cho cán bộ nhân viên theo hướng giảm tác động xấu đến môi trường.
Trồng cây để giảm thiểu C02 và làm mát hành tinh.
Về tiếp theo trong tầm nhìn đó là Biti’s muốn từng người ở đây đều là đại sứ hạnh phúc. Chỉ những người hạnh phúc mới tạo ra những đôi giày hạnh phúc. Đó là sứ mệnh mà chúng tôi theo đuổi nhằm giúp từng khách hàng hạnh phúc, còn ở đây, mỗi nhân viên đều cảm thấy mỗi ngày đi làm là một ngày vui vì những đóng góp nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội.