TAND TP. HCM đã công bố bản án giai đoạn 2 trong vụ Vạn Thịnh Phát, trong đó bà Trương Mỹ Lan bị kết án tù chung thân với các tội danh liên quan. Bà Trương Mỹ Lan bị buộc phải bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng cho các trái chủ và bên nhận chuyển nhượng trái phiếu. Các bị cáo khác không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Bản án cũng chỉ rõ cách xử lý các tài sản bị kê biên, phong tỏa liên quan đến vụ án, trong đó có nhà máy Tanifood tại Tây Ninh, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Lavifood.
Tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan đã khai báo về mối liên quan với Lavifood và các khoản đầu tư liên quan đến công ty này.
Nhà máy Tanifood đang thế chấp tại VietinBank cho khoản nợ gần nghìn tỷ đồng
Theo tài liệu của vụ án, nhà máy Tanifood Tây Ninh đang bị thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (mã chứng khoán CTG).
Tại toà, đại diện Ngân hàng VietinBank trình bày, Công ty Cổ phần Lavifood là chủ đầu tư nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Lavifood có khoản vay tại VietinBank với dư nợ cả gốc và lãi đến ngày 18/9/2024 là hơn 972 tỷ đồng. Tài sản thế chấp bao gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng tại dự án nhà máy Tanifood Tây Ninh. Dự án này hiện đang bị phong tỏa giao dịch do liên quan đến vụ án.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khai về khoản vay thế chấp gần nghìn tỷ tại VietinBank (CTG)
Theo kết quả điều tra giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan đã mua lại cổ phần của Lavifood từ ông Lê Thành nhằm tham gia lĩnh vực chế biến nông sản và giao cho bà Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) quản lý thông qua Tổng Giám đốc Nguyễn Phi Long, người đứng tên sở hữu 31% cổ phần.
Hội đồng xét xử xác định rằng Lavifood thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan và xét thấy cần thu hồi các tài sản liên quan đến Lavifood để khắc phục hậu quả của vụ án.
Tuy nhiên, theo đại diện của VietinBank, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thuộc nhà máy Tanifood đang được Lavifood thế chấp cho khoản vay gần nghìn tỷ đồng.
Do vậy, HĐXX đề nghị giải tỏa phong tỏa giao dịch đối với tài sản này, giao cho VietinBank phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự để xử lý và thu hồi nợ. Phần giá trị còn lại của tài sản sẽ được nộp lại để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà Trương Mỹ Lan.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: ‘Cách’ Trương Mỹ Lan để lại hậu quả 33.300 tỷ đồng ‘nợ’ cho Sài Gòn Glory
Nhà máy Tanifood quy mô 15ha, tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng
CTCP Lavifood, chủ đầu tư dự án nhà máy Tanifood, được thành lập tháng 6/2014 với vốn điều lệ ban đầu là 120 tỷ đồng, do ông Phạm Ngô Quốc Trung làm đại diện pháp luật. Lavifood là doanh nghiệp chuyên sơ chế, sản xuất và chế biến các loại trái cây, rau củ và nông sản chất lượng cao của Việt Nam để xuất khẩu toàn cầu.
Về cơ cấu sở hữu, ban đầu, ông Phạm Ngô Quốc Thắng nắm 94,37% cổ phần, ông Quốc Trung nắm giữ 0,937%. Số còn lại do hai cá nhân khác là ông Phạm Ngô Quốc Trực và bà Phạm Ngô Hoàng Thùy Trang sở hữu.
Tháng 10/2017, Lavifood tăng vốn lên 450 tỷ đồng, trong đó ông Thắng nâng tỷ lệ sở hữu lên 98,5%. Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.030 tỷ đồng vào tháng 1/2021, và sau đó tăng lên 2.880 tỷ đồng.
Ông Lê Thành, từng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty, nhưng đã chuyển giao vai trò này cho ông Nguyễn Phi Long vào tháng 2/2021, trước khi quay lại vị trí này vào tháng 6/2022.
Nhà máy Tanifood của Lavifood, được khánh thành vào tháng 1/2019, có diện tích 15ha và tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng.
Nhà máy có công suất xử lý 150.000 tấn nguyên liệu mỗi năm với 6 dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến như VHT (Vapour Heat Treatment), IQF (đông lạnh) và HPP (High Pressure Processing) để chế biến và bảo quản nông sản.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát Giai Đoạn 2: Đã hết thời gian kháng cáo
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/vu-van-thinh-phat-giao-tai-san-the-chap-voi-du-no-nghin-ty-cho-vietinbank-ctg-xu-ly-175500.html