Ngày 8/5 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã ban hành nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua quyết định giải thể 2 công ty con, gồm Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín và Công ty cổ phần 4K Farm.
Được biết, Logistics Toàn Tín thành lập hồi tháng 11/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hoá bằng đường bộ. Theo giới thiệu của MWG, công ty logistics này đang cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động, An Khang… trên toàn quốc.
Về phía 4K Farm, dự án này được MWG giới thiệu lần đầu tiên trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Tiền thân là Vifarm, 4K Farm đặt ra sứ mệnh mang lại cho người tiêu dùng rau an toàn tuyệt đối, bảo vệ sức khỏe, tránh tác hại của việc sử dụng rau có thuốc trừ sâu, có chất kích thích, có chất bảo quản và giống biến đổi gien.
Bên cạnh đó, 4K Farm hướng đến mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân so với trồng rau thông thường. Đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp của 4KFarm chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn, sau đó thu mua 100% sản lượng rau an toàn này cung cấp đến các khách hàng, đối tác.
Sau khi giải thể 2 công ty con này, Thế giới Di Động còn lại 9 công ty con. Trong đó, không có công ty nào hoạt động trong lĩnh vực vận tải như Toàn Tín.
Lý giải quyết định giải thể 2 công ty con này, Thế Giới Di Động cho biết công ty muốn tái cơ cấu lại nhóm các công ty con, nhằm tối ưu việc vận hành.
Còn nhớ, hồi tháng 5/2022, tức là chỉ nửa năm sau khi thành lập Toàn Tín, ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ với nhà đầu tư rằng, Thế Giới Di Động lúc bấy giờ đang chủ đích xây dựng một mô hình kinh doanh online khác biệt, đó là online với tính chính xác cao, hứa gì làm nấy. Nếu khách hàng nói rằng chỉ có thể nhận hàng từ 10h-12h, thì hàng sẽ được giao đúng vào thời gian đó.
Không những vậy, ông chủ Thế Giới Di Động còn hướng tới xây dựng dịch vụ giao hàng peer-to-peer, có nghĩa là 1 giao 1. Ví dụ, nếu khách hàng cần 1kg thịt rất gấp, thì trong vòng 60 phút, một bạn nhân viên giao hàng sẽ lấy hàng để giao thẳng tới nhà khách hàng, tức là giao hàng 1-1 để đảm bảo tốc độ.
Trả lời câu hỏi về khác biệt của dịch vụ giao hàng Bách Hóa Xanh, ông Tài cho biết, khác biệt nằm ở chỗ công ty không sử dụng dịch vụ giao hàng của bên thứ ba. Theo ông, dịch vụ giao hàng của bên thứ ba chỉ làm việc là cầm hàng và gom các đơn hàng, rồi đi giao, với mô hình là đi giao tuần tự, không có bất kỳ cam kết gì về thời gian giao hàng.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động có riêng một công ty con quản lý việc giao hàng cho Bách Hóa Xanh. Ở TPHCM, có 10 kho để lấy hàng giao online. Khi khách hàng đặt 1 đơn hàng, thì người ở kho gần đó lập tức đứng lên lấy đơn hàng. Nếu khách muốn lấy hàng 10h-12h sáng hôm sau, thì trước thời điểm đó việc chuẩn bị đơn hàng đã được diễn ra và hoàn tất.
Sau đó, có một đội ngũ sẽ đến kho để lấy hàng, và đội ngũ đó trực thuộc tập đoàn, chứ không phải bên thứ ba. Đội ngũ đó cầm 10 đơn hàng đi giao 1 vòng và chắc chắn trong 2 tiếng họ sẽ hoàn tất giao 10 đơn hàng đó. 10 kho chia cho hơn 20 quận huyện, thì mỗi kho chỉ phục vụ có 2 quận và sẽ đạt tốc độ yêu cầu.
Với mô hình này, ông Tài tự tin sau này, chính sách giao hàng peer-to-peer cũng sẽ rất đơn giản với mô hình mà ông đang xây dựng.
Nói về ngành logistics, ông Nguyễn Đức tài cho biết: “Logistics là một ước mơ”. Ước mơ của ông Tài là có ai đó làm logistics “ngon lành” để công ty ông có thể thuê và chỉ còn phải tập trung vào việc mua và bán, vì đó là sức mạnh của bán lẻ.
“Chúng tôi đã thử vài lần, và sắp tới không biết có nên nỗ lực tiếp hay không vì có những lùng bùng trong đó. Logistics là kho vận, từ quản lý hàng hóa đến vận tải hàng hóa từ điểm nhận cho đến điểm siêu thị. Ở Việt Nam, nói thì hay chứ chưa có ai làm được ra hồn. Tôi hy vọng có bạn nào làm được cái đó tương đối bài bản.
Tôi biết rằng ở nước ngoài, họ dựa vào bên thứ ba. Chúng tôi cũng đã đi sang Nhật, Châu Âu để trao đổi với những đối tác kinh doanh ngành của mình và đúng là họ dùng dịch vụ của bên thứ ba. Nhà cung cấp chỉ giao hàng đến kho thôi và kho đó do bên thứ ba quản lý. Bên thứ ba đó nhận lệnh giao hàng đến những shop và họ tự thu xếp lấy hàng, giao hàng, đảm bảo giờ giấc.
Đó là ước mơ tôi mong ở Việt Nam có ai đó làm được, nhưng đến nay tôi cảm thấy cũng chưa có ai có thể làm được. Chúng tôi mới chỉ làm một vài dịch vụ liên quan đến vận tải và sau vài ba tháng cảm thấy lỗi thời chúng tôi cũng đầu hàng. Chúng tôi nói với một người trong nghề: ‘Ông ở trong nghề mười mấy năm mà sao tôi làm 2-3 năm còn đi xa hơn ông cả khúc như vậy?’. Đó là những thứ đang diễn ra ở Việt Nam”.
Ông Tài khẳng định: “Logistics ở Việt Nam cực kỳ underdeveloped, cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ hại“. Đây là cơ hội rất lớn cho những doanh nghiệp nào ở nước ngoài có sức mạnh về logistics. “Ai có sức mạnh xây dựng một công ty logistics tới nơi tới chốn ở Việt Nam chắc người đó sẽ thắng. Còn Thế Giới Di Động tập trung làm bán lẻ nên không dành thời gian cho lĩnh vực đó“, Chủ tịch Thế Giới Di Động kết luận.
Nguồn tin: https://cafef.vn/giai-the-cong-ty-logistics-toan-tin-ong-nguyen-duc-tai-tai-co-cau-hay-da-thoa-uoc-mo-188240512072614044.chn