Ngày 31/5 tới đây, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại Hà Nội.
Theo tài liệu đại hội cổ đông mới được công bố, Habeco nhận định năm nay công ty sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như xung đột Nga – Ukraine còn căng thẳng, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính. Bên cạnh đó, lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động dẫn đến nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.
Đối với Habeco, dự kiến một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia tiếp tục tăng trong năm 2023 như giá bột trợ lọc tăng khoảng 25%, giá hoa houblon tăng khoảng 10%, giá gạo tăng khoảng 4%, giá đường tăng khoảng 8%.
Riêng đối với Malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, trong năm 2022, Habeco đã ký hợp đồng sớm với giá tốt nên giá malt trong năm chỉ tăng khoảng 10% (giá thị trường tăng khoảng 40-50%).
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, lợi thế này đã không còn khi mặt bằng giá Malt thế giới vẫn giữ ở mức cao. Vì vậy, giá Malt đầu vào năm 2023 của Habeco tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân mua vào năm 2022.
Bên cạnh đó, Habeco tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những hãng bia khác như Heineken, Sabeco. Các nhà sản xuất này đều là những tập đoàn đa quốc gia, nhận được hậu thuẫn to lớn về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính (gấp hàng chục lần so với Habeco), nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động phát triển thương hiệu và thị trường. Vì vậy, Habeco nhận định, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị trường, Habeco hoàn toàn yếu thế hơn so với những đối thủ này.
Theo Habeco, ngoài những sản phẩm bia nhập khẩu cũng rất được ưa thích do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, trên thị trường hiện nay còn có những sản phẩm chai PET, bia chai, bia lon của những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, giá rẻ (giá bán thấp hơn giá thành sản phẩm đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) tại các địa phương như: Bia tươi Việt Hàn, Hanoi Special Lager beer, Sao Vàng, Bia Tươi Hada. Một số sản phẩm nhái lại thương hiệu của Habeco như Bia hơi Hà Nội Dragon, HDbeco, Bia tươi Hà Nội Special, Hanoi Specialken Craftbeer,…
Với những khó khăn nói trên, Habeco năm nay đặt mục tiêu doanh thu 7.367,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 273,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222,1 tỷ đồng, cổ tức 8%. Như vậy, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của Habeco trong 15 năm, kể từ khi cổ phần hóa năm 2008.
Kể cả khi đã đặt kế hoạch thấp kỷ lục, việc Habeco hoàn thành được con số này cũng sẽ là một thách thức, bởi ngay trong quý đầu năm, Habeco thậm chí còn báo lỗ sau thuế 3,7 tỷ đồng.
Doanh thu công ty quý đầu năm giảm 13,5% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh bức tranh chung của ngành bia rượu bởi giai đoạn đầu năm nay cơ quan chức năng siết chặt quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn, khiến sức tiêu thụ bia rượu giảm mạnh. Cùng với Habeco, ông lớn Sabeco cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.