Sau thông tin từ Chính phủ về việc kiểm soát nguồn heo nhập lậu, giá heo hơi trên thị trường quay lại đà tăng tốt. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc liên tục tăng nhanh nhiều ngày liên tiếp, mức giá đỉnh 64.000 đồng/kg quay trở lại ở nhiều tỉnh thành: Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Trong khi, các tỉnh miền trong mức giá khá ổn định, chưa có biến động nhiều, giao dịch quanh mức 57-60.000 đồng/kg.
Theo Anova Feed, tình hình nước bạn (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng mạnh bởi mưa lũ khiến chăn nuôi chịu nhiều thiệt hại, lượng heo dự báo thiếu hụt lớn, thời gian tới giá heo dự kiến sẽ tăng trưởng tốt.
Trên thị trường, cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo nhanh chóng phản ứng và có phiên tăng trưởng mạnh, bất chấp thị trường chung điều chỉnh. “Nhạy bén” nhất vẫn là cổ phiếu DBC của Dabaco sớm bật trần dư mua với 27.950 đồng/cp, thanh khoản gần 15 triệu đơn vị. So với mức đáy hồi tháng 3/2023, cổ phiếu DBC đang tăng gấp đôi sau 4 tháng giao dịch.
Áp trần với thanh khoản kỷ lục 1 năm còn có HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Chốt phiên 8/8/2023, HAG dừng tại mức 9.810 đồng/cp, hơn 47 triệu cổ phiếu được giao dịch. Giá heo hồi phục cũng giúp HAGL có lãi gộp trở lại từ mảng heo hơn 50 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đáng chú ý, mới đây Công ty vừa công bố Nghị quyết về việc chốt ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông, nhằm thực hiện việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Trước đó hồi tháng 4/2023, Công ty đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ thông qua hồi năm 2022, nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Cổ phiếu BAF của Nông nghiệp BaF và MML của MasanMEATLife cũng tăng đáng kể, thanh khoản tốt.
Thực tế, giá heo gần 1 tháng trở lại đây có xu hướng tăng mạnh khi nhu cầu của người dân tích cực trở lại, trong khi nguồn cung giảm (do nông dân bỏ đàn khi giá chạm đáy nửa đầu năm, dịch tả châu Phi). Mức giá trung bình hiện tại quanh mức 60.000 đồng/kg, hồi phục hơn 33% hồi tháng 4/2023.
Giá heo hồi phục đồng nghĩa doanh nghiệp chăn nuôi bắt đầu có lãi mỏng trở lại. Trong đó, nhờ tự chủ được thức ăn nên giá vốn con heo của HAGL và BAF chỉ vào mức 42.000 – 45.000 đồng/kg. Với Dabaco, giá vốn theo chia sẻ của lãnh đạo hồi đầu năm thì vào khoảng 55.000 đồng/kg.
Dù vậy, trong nửa đầu năm, giá heo bất lợi khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn vẫn chưa hồi phục đáng kể.
Cụ thể, doanh thu mảng nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) trong quý 2/2023 của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vẫn giảm so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 64 tỷ – giảm hơn 41%. Dù vậy, con số này đã cải thiện đáng kể so với quý đầu năm.
Mặc dù doanh thu giảm nhưng điểm tích cực là Hòa Phát đã có lại trở lại 54 tỷ đồng, sau 2 quý thua lỗ trước đó. Mức lợi nhuận này tương đương giai đoạn 2018-2019 và thấp hơn khá nhiều so với thời kỳ đỉnh cao 2020 và đầu 2021.
Ở diễn biến khác, doanh thu DBC tăng mạnh song chủ yếu nhờ mảng bất động sản.. Lũy kế từ đầu năm tới nay, doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng của DBC tăng đột biến 6 lần lên 754 tỷ đồng. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh chính là chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ghi nhận sự sụt giảm 12%.
HAGL đạt 1.450 tỷ đồng doanh thu hợp nhất quý 2/2023 – tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo đạt khoảng 444 tỷ – tăng 71% so với cùng kỳ. HAGL đã có lãi gộp trở lại ở mảng chăn nuôi heo với 55 tỷ đồng, mảng cây ăn trái đóng góp 135 tỷ đồng. Dù vậy, HAGL vẫn lỗ thuần 163 tỷ đồng.
Với Masan MeatLife (MML), quý 2 năm nay doanh thu Công ty cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MML tăng hơn 70% lên hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó, mảng heo trang trại đóng góp 500 tỷ doanh thu (tăng hơn 31% so với cùng kỳ), doanh thu thịt thương hiệu tăng lên 860 tỷ và doanh thu thịt chế biến tăng đáng kể lên 1.108 tỷ đồng.