Bộ Công Thương vừa công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ hơn 21.821 tỷ đồng.
Mua cao bán thấp gây nhiều hệ lụy
Tại tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 10/10, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa dẫn số liệu kiểm tra liên ngành được công bố cho thấy, giá thành điện đang cao hơn giá bán điện bình quân.
Ông nhấn mạnh, đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra lại không quyết đủ theo các chi phí đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện. Điều này đã sinh ra rất nhiều bất cập, hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện, cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã có quy định: Căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện trong biên độ cho phép.
“Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế”, ông Thỏa khẳng định.
Ông cũng nêu ý kiến, Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường như thuế, các loại phí, các loại quỹ,… để có mức giá điện bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, nhưng Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.
“Cần tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện. Thay vào đó, giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo. Việc này bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn”, ông gợi ý.
Theo ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nếu vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực để đầu tư các dự án lớn.
Vừa qua, việc xây dựng đường dây 500 KV mạch 3 có nỗ lực rất lớn của EVN để đạt được tiến độ nhanh nhất. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề: EVN có thể gồng được bao nhiêu với các dự án tương tự? Sắp tới, thách thức đặt ra rất lớn đối với xây dựng các nguồn điện mang tính chủ đạo để bảo đảm an ninh năng lượng, khi Chính phủ đã chỉ đạo không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nguồn lực của EVN trong trường hợp này là gì nếu vẫn liên tiếp bị lỗ? – ông Sơn nêu vấn đề.
Theo ông, cảnh báo này được nêu ra từ năm 2014. Nếu tiếp tục không có cải cách giá điện, EVN chắc chắn sẽ lỗ và uy tín tài chính để vay vốn sẽ bị xếp hạng thấp. Tập đoàn sẽ rất khó khăn trong việc thu xếp vốn và không dễ để có lãi suất ưu đãi, thậm chí phải trả lãi cao do rủi ro cao.
Chưa kể, mức giá điện hiện nay không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, thậm chí còn gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.
Phải cải cách giá điện
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu phân tích, trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, nếu không kịp đầu tư các nguồn điện mới sẽ khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân mà còn tác động đến sản xuất và môi trường đầu tư.
“Vấn đề là giá bán điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện, khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển. Đặt vấn đề như thế cũng chính là câu trả lời. Chúng ta phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện”, ông Hữu nói.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 05 về “Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân”. Trong đó quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng. Như vậy, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện tiệm cận với sự thay đổi của yếu tố đầu vào, sát với biến động chi phí.
Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó sửa đổi căn bản Luật Điện lực hiện hành, có nhiều cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành điện, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, trong đó có cả tư nhân tham gia để đảm bảo cung – cầu.
Theo ông Hà Đăng Sơn, lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng tiến theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam đã rõ. Để làm được, đầu tiên là phải cải cách giá điện, từ đó mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện “sạch, xanh” trong cơ cấu sản xuất điện.
Vai trò của EVN trong trường hợp này chính là làm sao bảo đảm được nguồn điện khi có những yếu tố biến động, hay những yếu tố không kiểm soát được, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất và an sinh xã hội. Những yếu tố khác liên quan đến kinh doanh phải để thị trường quyết định, để cho các doanh nghiệp tư nhân có những cơ hội đàm phán, điều chỉnh giá.
“Chúng ta cần nhìn dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư”, ông lưu ý.
>> EVN báo lỗ hơn 34.000 tỷ đồng từ kinh doanh điện
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/gia-dien-dieu-chinh-nhu-gia-xang-evn-se-thoat-thua-lo-166080.html