Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, cổ phiếu SAB của CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (mã chứng khoán: SAB) có giá 153.300 đồng/cp, tương ứng với giá trị vốn hóa là 98.600 tỷ đồng. Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong vòng 12 tháng qua.
Thị giá của SAB hiện tại đã giảm 8,2% so với mức đầu năm, qua đó biến Sabeco trở thành doanh nghiệp duy nhất phải rời “câu lạc bộ” vốn hóa 100.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu ngành bia này còn để FPT (mã chứng khoán: FPT) và Techcombank (mã chứng khoán: TCB) vượt mặt về giá trị vốn hóa.
Trên thực tế, giá cổ phiếu SAB đã liên tục biến động từ đầu năm. Sau khi kết thúc năm 2022 với mức giá 167.000 đồng/cp, chỉ hơn 1 tháng sau thị giá cổ phiếu này tăng tiệm cận gần 200.000 đồng/cp (198.000 đồng/cp), tương ứng mức tăng 18% chỉ sau hơn 1 tháng. Đây cũng mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được kể từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên, sau một quãng thời gian đi ngang, cổ phiếu SAB đã liên tục giảm kể từ tháng 3. So với mức 198.000 đồng/cp đạt được hồi đầu năm, thị giá SAB hiện tại đã giảm gần 23%. Thậm chí, mức giá này cũng chỉ bằng một nửa của giai đoạn đỉnh cao năm 2018. Giá trị vốn hóa của Sabeco cũng “bốc hơi” khoảng 28.857 tỷ đồng sau 5 tháng.
Việc giá cổ phiếu SAB liên tục giảm trong thời gian qua diễn ra trong bối cảnh có nhiều đánh giá ngành bia sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Trong báo cáo về ngành bia được đưa ra hồi đầu năm, VCBS cho rằng ngành bia sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kênh on-trade với hoạt động kinh tế tiếp tục và mở cửa cho du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, Nghị định 100 xử phạt đối với người uống rượu bia và áp lực kinh tế sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành bia.
Tiếp thị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu. Đổi mới và cải tiến sản phẩm sẽ là chiến lược quan trọng khác để phân biệt với đối thủ cạnh tranh. VCBS cho rằng Sabeco sẽ không bỏ qua tiềm năng lớn của thị trường đồ uống không cồn, thứ hiện chưa có trong danh mục sản phẩm của công ty.
Theo đánh giá của VCBS, việc đầu tư vào thương hiệu cũng như làm mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm sẽ giúp tăng doanh số tiêu thụ của Sabeco. Mặt khác, giá bán sẽ không tăng do các chi phí đầu vào như mạch nha có khả năng đã đạt đỉnh và cạnh tranh gay gắt giữa Sabeco và Heineken nhằm giữ vững cũng như gia tăng thị phần.
Kết quả kinh doanh quý I của Sabeco cũng đã phản ánh được những khó khăn trên. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ, đạt hơn 6.200 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, Sabeco lãi ròng hơn 1.004 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 967 tỷ đồng, ghi nhận lần đầu tiên xuống dưới nghìn tỷ sau 5 quý liên tiếp (kể từ quý IV/2021).
Điểm tích cực là biên lãi gộp của Sabeco đã được cải thiện đáng kể lên 30,7% từ mức 29,6% cùng kỳ năm ngoái và 27,8% của quý trước. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Sabeco cho biết sẽ cố gắng giữ mức tỷ suất lợi nhuận gộp và công ty đã chốt nguyên liệu từ cuối năm 2022 cho sản xuất đến hết quý 3/2023. Sabeco sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí và cải thiện cơ cấu sản phẩm để bảo vệ lợi nhuận.
Ngoài việc vốn hóa giảm, đà tụt dốc của cổ phiếu SAB còn khiến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi ngày càng “xa bờ” với khoản đầu tư vào hãng bia lớn nhất Việt Nam.
Còn nhớ vào cuối năm 2017, Vietnam Beverage – thành viên thuộc Thaibev đã gây chấn động chi đến 5 tỷ USD mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ đợt thoái vốn của Bộ Công thương qua đó chính thức nắm quyền chi phối Sabeco. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, giá trị thị trường của số cổ phần trên chỉ còn khoảng 53.000 tỷ đồng (~2,3 tỷ USD), tức là Thaibev đang tạm lỗ 2,7 tỷ USD sau gần 6 năm.
Thực tế, Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc tạm lỗ với khoản đầu tư này không phải là vấn đề quá lớn đối với “đại gia” Thái Lan.
Thêm nữa, mỗi năm Sabeco vẫn đều đặn chi hàng nghìn tỷ để trả cổ tức và phần lớn số tiền lại chảy về túi người Thái. Năm 2022, Sabeco dự kiến sẽ chia thêm cổ tức đặc biệt 15% qua đó nâng tổng mức cổ tức lên 50%, trong đó Vietnam Beverage được nhận hơn 1.700 tỷ đồng. Kể từ khi hoàn tất thâu tóm Sabeco, “đại gia” Thái Lan đã bỏ túi tổng cộng hơn 8.200 tỷ đồng cổ tức (~350 triệu USD).