Mới đây , CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (mã chứng khoán: PVR) cho biết đã nhận được Giấy xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp về việc Đầu tư PVR Hà Nội sẽ tạm ngừng kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/11/2024. Lý do để doanh nghiệp bất động sản này sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới vượt qua những khó khăn.
Trong Nghị quyết của HĐQT hồi cuối tháng 10 trước đó, PVR cho biết công ty bị phong toả tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của Toà án và năm 2023 công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, dự kiến năm 2024 vẫn không có kinh phí.
Mặc dù có ngành nghề chính là bất động sản, và hiện tổng tài sản cũng đạt gần 1.000 tỷ đồng nhưng PVR vẫn phải dừng hoạt động.
Rất có thể, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả này là một số dự án của công ty này dù chưa xây xong nhưng hiện đã dừng thi công hoặc dừng hoạt động.
Dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên
Một trong những dự án nổi tiếng đang nằm “đắp chiếu” của PVR phải kể đến đó chính là dự án dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên. Dự án này của PVR được phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2008, với quy mô 1.025 ha và tổng mức đầu tư là 4.690 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau sự kiện Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, dự án đã phải tạm ngừng triển khai đến tháng 5/2010. Bên cạnh đó, quy mô của dự án cũng bị cắt giảm từ 1.024,8 ha xuống chỉ còn 183.6 ha, tổng vấn đầu tư giảm từ 4.690 tỷ đồng xuống còn 3.500 tỷ đồng.
Vào năm 2014, PVR đã từng thông qua các đề xuất của Giám đốc công ty về tình hình triển khai dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên. Đồng thời giao Giám đốc công ty chủ động làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết dự án sau đó lập lại dự án đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, công ty sẽ tìm kiếm đối tác để thoái vốn hoặc ký thỏa thuận hợp tác đầu tư… đảm bảo lợi nhuận dự án. Tuy nhiên, PVR lại không tìm được đối tác để chuyển nhượng lại dự án.
Cuối cùng, đến tháng 7/2019, PVR nhận được văn bản của Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Công ty đã dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.
Dự án Hanoi Time Tower
Một dự án khác cũng đang trong tình trạng ngừng thi công của PVR cũng phải kể đến dự án chung cư Hanoi Time Tower. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, gồm 41 tầng, trong đó gồm 39 tầng nổi và 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 110.000 m2, địa điểm tại Lô CT10 – CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.
Từ cuối năm 2010 đến năm 2012, PVR đã thực hiện các giao dịch liên quan đến Hanoi Time Tower với khách hàng thông qua 03 hợp đồng là: mua bán căn hộ, góp vốn và thỏa thuận đặt cọc.
Theo hợp đồng góp vốn, chậm nhất đến cuối năm 2013, phía chủ đầu tư PVCR sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Theo hợp đồng mua bán thì chậm nhất đến cuối năm 2014, khách hàng sẽ được nhận bàn giao nhà. Tổng số căn hộ chủ đầu tư đã thực hiện giao dịch là 531/639 căn với số tiền huy động là hơn 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, PVR đã không triển khai thi công thực hiện dự án theo đúng tiến độ dẫn đến việc dự án không hoàn thành để bàn giao nhà theo đúng thời hạn đã cam kết.
Lần “thay máu” đầu tiên cho dự án từng diễn ra cuối năm 2012 khi Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR tương đương hơn 19% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của. Những thông tin tích cực trên đã khiến khách hàng đồng ý gia hạn tiến độ công trình đến quý 4/2014.
Nhưng sau đó Hanoi Time Tower tiếp tục ngừng triển khai, các cổ đông lớn (gồm cả Ocean Group) thoái hết vốn khỏi PVR. Dự án lại “đắp chiếu” thêm một lần nữa, khi công ty không thể thu xếp được nguồn vốn dể tiếp tục thi công.
Đến tháng 12/2015, PVR bất ngờ công bố tái khởi động dự án Hanoi Time Tower sau khi sau khi được tài trợ gói tín dụng 326 tỷ đồng và cam kết sẽ hoàn thành tòa A vào năm 2017 và hoàn thành tòa B vào năm 2018. Đặc biệt, trong lần trở lại này thành phần chủ đầu tư có sự góp mặt của CTCP MHD Hà Nội. Nhưng một lần nữa, dự án lại tiếp tục khiến khách hàng phải thất vọng. Đến tháng 10/2016, dự án mới xây dựng đến sàn tầng 8 và đã tạm dừng thi công.
Trong biên bản họp ĐHĐCĐ năm 2022, PVR cho biết ác dự án của công ty vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn mặc dù HĐQT, Ban Giám đốc đã có nhiều cố gắng. Tại dự án CT10-11 Văn Phú – Hà Đồng, dự án chưa thể triển khai lại do công ty chưa thể thu xếp được nguồn vốn, khách hàng không tiếp tục nộp tiền,… nên đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã chậm tiến độ đến 10 năm nhưng mới xây đến tầng 9 và không còn hoạt động thi công nào. Thời điểm mở bán ra thị trường, các căn hộ tại đây có giá bán trung bình ở mức 22,5 triệu đồng/m2. Hiện “số phận” dự án này vẫn chưa rõ bao giờ hoàn thành, trong khi đó, người góp tiền thì mòn mỏi chờ chủ đầu tư thực hiện.
Tại thời điểm 30/9, PVR ghi nhận 692 tỷ đồng, chiếm đến 2/3 tổng tài sản của doanh nghiệp này. Đây là số tiền mà công ty đã đầu tư vào chính dự án Hanoi Time Tower.
PVR “trắng” doanh thu kể từ đầu năm 2022
PVR tiền thân là CTCP dầu khí Tản Viên thành lập 2006, với các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam, CTCP kỹ thuật dịch vụ Dầu khí, GPBank
Khi mới thành lập, Dầu khí Tản Viên có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, chuyên kinh doanh bất động sản, mục tiêu chính là phát triển dự án Hồ Suối Hai, Tản Viên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thành một khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Trải qua nhiều thăng trầm hoạt động, đến năm 2018, công ty chính thức sử dụng tên Đầu tư PVR Hà Nội.
Tuy nhiên qua nhiều biến động ở mặt thượng tầng, đến cuối quý 3/2023, vốn điều lệ của PVR là 531 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm 7 cổ đông lớn (3 cá nhân và 4 tổ chức) nắm 58,85% vốn. Bà Trần Thị Thắm hiện là cổ đông lớn nhất nắm gần 12,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,51% vốn).
Tình hình kinh doanh của PVR không mấy khả quan, công ty không ghi nhận doanh thu xuyên suốt 2 năm qua, chủ yếu lợi nhuận đến từ mảng tài chính.
Tuy nhiên từ quý 2/2022, PVR liên tục thất thu từ lĩnh vực tài chính, khiến kết quả kinh doanh chung chìm trong thua lỗ. Phải tới quý 2/2023, PVR có khoản 2 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty lãi ròng hơn 1,4 tỷ đồng.