Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) vừa công bố báo cáo tài chính định kỳ cho giai đoạn từ 1/1-30/6/2024. Theo báo cáo, BIM Land đã trải qua một kỳ kinh doanh thua lỗ nặng nề với số lỗ lên đến 341 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 810 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, lợi nhuận sau thuế của BIM Land liên tục giảm sút. Cụ thể, từ mức lãi 2.069 tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận của công ty đã giảm xuống 798 tỷ đồng vào năm 2023 và hiện tại, công ty lỗ 341 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.
Tình hình kinh doanh suy giảm của BIM Land gắn liền với áp lực từ khoản nợ khổng lồ mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Tính đến hết quý II/2024, tổng nợ phải trả của công ty vượt mức 20.100 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm hơn 5.400 tỷ đồng.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho công ty trong việc quản lý tài chính, khi nợ phải trả gấp 2,86 lần vốn chủ sở hữu, hiện ở mức hơn 7.000 tỷ đồng. Nợ phải trả của BIM Land luôn duy trì cao gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu nhiều năm nay.
>> Home Credit báo lãi 6 tháng đạt 474 tỷ đồng, đang gánh nợ phải trả hơn 21.000 tỷ
BIM Land hiện đang lưu hành ba lô trái phiếu, bao gồm hai lô trái phiếu phát hành trong nước là BIMCH2330001 (2.333 tỷ đồng) và BIMB2023001 (1.000 tỷ đồng), cùng một lô trái phiếu quốc tế BIMCD2126001 (200 triệu USD).
– Lô trái phiếu BIMCH2330001, trị giá 2.333 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 21/8/2023, với kỳ hạn hơn 7 năm, đáo hạn vào ngày 15/7/2030. Lô trái phiếu này sẽ được mua lại theo từng đợt, bắt đầu từ tháng 1/2025 với tỷ lệ 20% và kéo dài đến tháng 7/2030. Việc phải mua lại từng phần lô trái phiếu lớn này cũng sẽ tạo áp lực về tài chính lên BIM Land từ tháng 1/2025 khi bắt đầu kỳ mua lại trái phiếu đầu tiên.
– Lô trái phiếu BIMB2023001 được phát hành ngày 30/12/2020, đáo hạn vào ngày 30/12/2023. Lô trái phiếu này được phát hành nhằm huy động vốn đầu tư vào dự án Centara thông qua hình thức hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất của 6 thửa đất tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, thuộc sở hữu của BIM Hạ Long.
– Lô trái phiếu quốc tế BIMCD2126001, phát hành tại Singapore vào ngày 7/5/2021, đáo hạn vào ngày 7/5/2026. Lô trái phiếu này được bảo lãnh phát hành bởi Credit Suisse (Singapore) Limited, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, UBS AG Singapore Branch. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này được bảo lãnh bởi các công ty con của BIM Land.
>> Kỳ lạ một doanh nghiệp có nợ phải trả gấp 31 lần vốn chủ sở hữu
BIM Land được biết đến là đơn vị quản lý mảng bất động sản của BIM Group – một tập đoàn đa ngành nghề. CTCP Bất động sản BIM tiền thân là CTCP Đầu tư BIM, thành lập tháng 11/2011, do ông Đoàn Quốc Việt, sinh năm 1955, làm người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT.
Công ty có vốn điều lệ hơn 3.304 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long sở hữu 99,95%. Số cổ phần còn lại do ông Đoàn Quốc Việt và Đoàn Quốc Huy, sinh năm 1984, sở hữu.
Quá trình tăng/giảm vốn liên tục
Quản lý mảng bất động sản của BIM Group, tại Hạ Long, BIM Land gắn liền với loạt dự án như Halong Plaza Hotel, Little Vietnam, Sunrise Residence, Royal Lotus Halong Resort & Villas, Green Bay Village, Green Bay Garden…
BIM Land cũng gắn liền với loạt khu phức hợp du lịch như Halong Marina với InterContinental Residences Halong Bay, Sailing Club Residences Ha Long Bay, Grand Bay Villas Halong, Citadines Marina Halong…
>> Cục thuế Quảng Ninh công khai danh sách hơn 500 doanh nghiệp nợ thuế
Doanh nghiệp bất động sản hoạt động với quy mô lớn, tuy vậy khá bất ngờ khi BIM Land lại liên tục thực hiện tăng và giảm vốn điều lệ bất thường.
Đáng chú ý, vào tháng 7/2018, công ty giảm vốn điều lệ từ hơn 3.304 tỷ đồng xuống còn 2.149,5 tỷ đồng. Nhưng chỉ một tháng sau, công ty lại tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Tháng 7/2022, công ty cập nhật thông tin ông Đoàn Quốc Huy, sinh năm 1984, làm Tổng Giám đốc.
>> Phenikaa Group của đại gia Hồ Xuân Năng: Lãi khủng 514 tỷ, ‘gánh’ nợ phải trả đến 6.300 tỷ đồng
Công ty mẹ của BIM Land – Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) được thành lập vào tháng 9/1994, do ông Đoàn Quốc Việt là người đại diện theo pháp luật. Công ty này cũng trải qua nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông.
BIM Group có vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng, trong đó ông Đoàn Quốc Việt góp 75,09%; ông Đoàn Quốc Huy góp 24,91%. Phần vốn góp của ông Đoàn Quốc Huy sau đó được chuyển nhượng sang cho bà Không Thị Hiền vào tháng 8/2013.
Tháng 9/2016 công ty bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 1.700 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông thay đổi khi ông Đoàn Quốc Việt sở hữu 88,34% còn bà Không Thị Hiền sở hữu 11,66%. Ông Đoàn Quốc Huy lên làm Tổng Giám đốc từ tháng 12/2017.
Tháng 4/2018 công ty tăng vốn điều lệ từ 1.700 tỷ đồng lên 3.150 tỷ đồng rồi lại giảm vốn xuống còn 850 tỷ đồng vào tháng 7/2018.
Cơ cấu cổ đông của công ty cũng liên tục thay đổi, trong đó bà Không Thị Hiền còn 0,118%; số cổ phần còn lại ban đầu chuyển cho Công ty TNHH Tập đoàn BIM, sau đó là CTCP Bất động sản BIM (BIM Land).
Tháng 6/2021 công ty tăng vốn trở lại lên 2.000 tỷ đồng, do BIM Land sở hữu 99,88% rồi tăng lên 2.800 tỷ đồng vào tháng 5/2022.
Ông Đoàn Quốc Huy hiện còn đứng tên rất nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái BIM Group. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp liên tiếp được nhắc tên như BIM Kiên Giang, Syrena Phú Quốc, Syrena Hùng Thắng, Syrena Hạ Long, CTCP Muối Ninh Thuận, Điện gió BIM, CTCP Năng lượng tái tạo BIM, CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận, Thủy sản BIM, CTCP Thanh Xuân…
>> Doanh nghiệp duy nhất đăng ký dự án 15.000 tỷ ở An Giang: bất ngờ lãi hơn 1.700 tỷ năm 2022
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ganh-khoan-no-phai-tra-hon-20-000-ty-dong-bim-land-kinh-doanh-ra-sao-155061.html