Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong năm 2023 tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) phải thanh toán tổng cộng 120 tỷ đồng tiền lãi và 996,4 tỷ đồng tiền gốc để tất toán lô trái phiếu FLCH2123003. Tuy nhiên đến cuối năm công ty này mới trả được lần lượt 6 tỷ đồng tiền lãi và 100 triệu đồng tiền gốc.
FLC cho biết đang trong quá trình đàm phán với trái chủ để thông qua phương án gia hạn, dự kiến thanh toán trước 28/12/2025 trong trường hợp được trái chủ đồng ý.
Lô trái phiếu của FLC được phát hành vào ngày 28/12/2021, kỳ hạn 2 năm. Khối lượng gồm 115 ngàn trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng, tổng huy động 1.150 tỷ đồng. Lãi suất cho kỳ đầu tiên là 12%/năm.
Đến tháng 09/2023, FLC đã mua lại 153 tỷ đồng. Từ đó đến nay, Công ty tiếp tục có 3 đợt mua lại, lần lượt 200 triệu đồng, 750 triệu đồng và 150 triệu đồng. Thời điểm cuối tháng 02/2024, FLC còn đang nợ gốc gần 996 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 22/12/2023, FLC đã công bố kết quả lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu về 4 phương án gia hạn lô trái phiếu với trái chủ, chủ yếu xoay quanh việc khai thác hoặc chuyển nhượng hoặc cấn trừ đối với dự án FLC Hải Ninh 2 nhưng cuối cùng không phương án nào được thông qua.
Được biết, FLC Hải Ninh 2 nằm trong quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quảng Bình. Đại dự án có tổng vốn đầu tư 20 ngàn tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 1,954ha. Tính đến cuối năm 2022, dự án đã đưa vào hoạt động hai sân golf và một số biệt thự ven biển.
Hồi cuối tháng 2, vừa qua, FLC đã tiến hành tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2024. Lãnh đạo công ty cho biết hai năm 2022-2023 là một giai đoạn vô cùng gian nan, thách thức khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao.
FLC đã không công bố báo cáo tài chính từ quý 4/2022 đến hiện tại, tình hình tài chính vẫn là dấu hỏi lớn. Theo công bố trong cuộc họp, tổng giá trị tài sản hiện hữu ước tính đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. FLC đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.
Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự của FLC giảm 60% xuống hơn 3.500 cán bộ nhân viên, sáp nhập 50% phòng ban, thành lập mới Ban Kinh doanh & Chiến lược, Phòng CNTT. Hệ thống công ty gồm 14 công ty con (do FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 1 Công ty liên kết.
Hướng tới năm 2024, FLC sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính gồm kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh. Mục tiêu mảng kinh doanh bất động sản đạt doanh số 1.187,2 tỷ đồng, mảng kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng đạt 1.213 tỷ đồng; lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan.
Nguồn tin: https://cafef.vn/flc-moi-thanh-toan-duoc-6-ty-dong-tren-tong-so-hon-1100-ty-goc-va-lai-trai-phieu-phai-tra-trong-nam-2023-188240313091852135.chn