Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, EVN vừa có văn bản số 2480/EVN-KTSX ngày 16/5/2023 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô – tháng 5, 6 năm 2023.
Theo EVN, thực tế, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành. Trong đó, nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 – 14 triệu m 3 /ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ trên 21 triệu m 3 /ngày.
Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m 3 /ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m 3 /ngày.
Trước tình hình cấp bách nêu trên, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị PVN, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6) . Trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.
Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than/dầu/khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do những biến động chung của nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hết sức nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển của kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2023, thời tiết khô hạn diễn ra trên toàn quốc gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Đến ngày 12/5/2023, đã có 13/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, đa số các hồ thủy điện còn lại có mực nước thấp hơn nhiều so với mực nước quy định trong Quy trình điều tiết hồ chứa/liên hồ chứa. Ngày 13/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn số 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ngày 19/5, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 185/TB-VPCP, về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, những ngày đầu tháng vừa qua, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều nơi trong cả nước và diễn biến dự kiến còn có thể tiếp tục đến tháng 6 tới. Tình trạng này đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong khoảng thời gian đến ngày 25/5/2023 khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Đông Bắc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng đủ điện, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn, cục bộ đến ngày 25/5/2023.