Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được tính toán để kết nối với hệ thống đường sắt liên vận quốc tế Á – Âu – đây là khẳng định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong công văn báo cáo giải trình, tiếp thu và làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, liên quan đến hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, được gửi tới Tổng Thư ký Quốc hội.
Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, từ tổ hợp Ngọc Hồi, ga Thường Tín, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc thông qua tuyến vành đai phía Đông (nối ga Ngọc Hồi với ga Kim Sơn); ga Kim Sơn kết nối tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi Hà Khẩu – Trung Quốc và kết nối với ga Yên Thường đi Nam Ninh – Trung Quốc thông qua tuyến Hà Nội – Lạng Sơn.
>> Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ hoàn vốn trong bao nhiêu năm?
Tại khu vực miền Trung, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ kết nối liên vận quốc tế với Lào tại ga Vũng Áng thông qua tuyến Mụ Giạ – Vũng Áng – Viêng Chăn.
Tại khu vực miền Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ kết nối vào ga Trảng Bom thông qua tuyến nhánh, từ ga Trảng Bom đã quy hoạch tuyến đường sắt kết nối với ga An Bình để đi Campuchia qua tuyến đường sắt TP. HCM – Lộc Ninh và tuyến đường sắt TP. HCM – Mộc Bài.
Trong quá trình khai thác, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở các tuyến liên vận quốc tế, như cách đã triển khai hiện nay, nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Ngày 19/11, Báo Giao thông đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đường sắt tốc độ cao – Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt”. Sự kiện là dịp để cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận, tham vấn về kế hoạch triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, một trong những dự án trọng điểm quốc gia.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định rằng, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đủ năng lực và trình độ để đảm nhận thi công dự án về mặt công nghệ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực là một yếu tố cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Ông Hiệp cho biết, với tổng khối lượng xây lắp ước tính hơn 33 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam. Ông nhận định: “Đây không phải dự án quá khó về mặt công nghệ, nhưng tốc độ thiết kế 350 km/h đòi hỏi độ chính xác rất cao. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu trong nước phải không ngừng học hỏi, tiếp thu các công nghệ tiên tiến nhất”.
>> Lộ diện vị trí ga đường sắt cao tốc Bắc – Nam đi qua đoạn Nghệ An
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-se-ket-noi-tuyen-lien-van-quoc-te-a-au-tu-nhung-ga-nao-178979.html