UBND TP.Hà Nội vừa có báo gửi HĐND TP về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo đó, tính đến ngày 15/6/2024 (dự kiến kết quả thực hiện đến hết tháng 6/2024): 705 dự án (chiếm 99% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Đáng chú ý, Dự án đầu tư xây dựng Khu văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở bán của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) là một trong số nhiều dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng được UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và Chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng.
Dự án đầu tư xây dựng Khu văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở bán (gọi tắt là Dự án Intracom 1) có tổng diện tích 23.829m2 thuộc địa phận phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo tìm hiểu, tại khu đất 23.829m2, chủ đầu tư mới triển khai xây dựng tòa chung cư 27 tầng và khoảng 20 căn biệt thự liền kề.
Trong đó, tòa chung cư cao 27 tầng được xây dựng trên diện tích đất 3.314 m2, gồm 2 tầng hầm để xe, tầng 1 là khu dịch vụ công cộng, siêu thị và tầng 2 trở lên là khu căn hộ với tổng số 250 căn có diện tích từ 80m2 – 150m2. Tòa chung cư này được khởi công xây dựng năm 2010 và hoàn thành năm 2014. Tổng mức đầu tư khoảng 523 tỷ đồng.
Hồi tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố loạt sai phạm của chủ đầu tư tại tòa chung cư này, căn cứ các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân từ năm 2015.
Theo đó, Intracom tự thay đổi về chiều cao các tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, chuyển đổi công năng sử dụng tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng tum nhằm tăng số căn hộ để bán.
Cụ thể, tầng kỹ thuật tòa nhà được Intracom xây tường ngăn chia và chuyển đổi thành 11 căn hộ để bán; tăng chiều cao tầng áp mái 0,2m, xây tường ngăn thành 11 căn hộ để bán; giảm chiều cao tầng tum 0,15m, mở rộng diện tích tầng tum thêm 996m2, sau đó xây tường ngăn thành 11 căn hộ để bán.
Chủ đầu tư cũng tự ý giảm 0,17m chiều cao các tầng từ 2-25 của tòa nhà; giảm bề rộng hành lang từ 2m xuống 1,9m để tăng diện tích căn hộ.
Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ rõ việc Intracom đã ký hợp đồng bán nhà cho dân sai mẫu hợp đồng Bộ Xây dựng ban hành; chủ đầu tư không phân định rõ phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; lập ban quản lý tòa nhà để vận hành tòa nhà sai quy định; trì hoãn tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị; thu chi quỹ bảo trì chung cư không đúng quy định, không công khai, minh bạch…
Trước đó, tháng 4/2015 đoàn thanh tra Bộ Xây dựng cùng với UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Trung Văn đã phát hiện sai phạm tại tòa chung cư này. Sau thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt hành chính Intracom 40 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm 930 triệu đồng.
Trong khi đó, 20 căn biệt thự liền kề đã xây nằm trong khu nhà ở thấp tầng có diện tích đất là 5.747m2 có tổng số 40 căn có diện tích 140m2 -170m2.
Intracom tiền thân là Công ty Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Giao thông đô thị với 100% vốn nhà nước, từng là thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico). Đến năm 2006, công ty tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hiện Intracom do ông Nguyễn Thanh Việt làm Chủ tịch HĐQT. Ông này được biết đến với tên gọi “Shark Việt” sau khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam.
Doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là bất động sản, y tế và thủy điện.
Trong mảng bất động sản, Intracom là chủ đầu tư của nhiều dự án đình đám như: Intracom Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và dự án Intracom Riverside (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội), Intracom Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội),…
Ở lĩnh vực y tế, Intracom đầu tư vào dự án Tổ hợp Y tế Phương Đông (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) , quy mô 9,5ha với 1.000 giường bệnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp của “Shark Việt” cũng sở hữu nhiều dự án thủy điện lớn như: dự án Thủy điện Nậm Pung, dự án thủy điện Tà Lơi 2-3 (Lào Cai), dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 (Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, Intracom ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 hơn 46 tỷ đồng, giảm gần 40% so với con số 76,2 tỷ đồng của năm 2022.
Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tăng nhẹ lên hơn 4.214,7 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,09 lần lên 1,3 lần; tương ứng, tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2023 của Intracom ở mức hơn 5.479 tỷ đồng. Trong đó, công ty sạch nợ trái phiếu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/du-an-intracom-trung-van-cua-shark-viet-tiep-tuc-duoc-gia-han-188240702084724804.chn