“Khách hàng quốc tế đặt hàng may mặc và giày dép từ Việt Nam đã thông báo cho các đơn vị sản xuất về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay. Các đơn vị sản xuất còn cho biết khách hàng lại đặt đơn nhỏ và/hoặc đơn giao gấp nhiều hơn – thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước”,
ghi nhận của VinaCapital trong bài phân tích của chuyên gia kinh tế mới công bố.
Năm 2023, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm đã gây tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, quan sát của VinaCapital cho thấy đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu đã sẵn sàng tăng trở lại, khi hàng tồn kho cuối năm 2023 của các nhà bán lẻ ở Mỹ sẽ giảm 5-7% so với năm trước đó (theo báo cáo lợi nhuận của một số bên như Walmart, Target, Best Buy, Nike…).
Điều này lý giải vì sao xuất khẩu của Việt Nam từ mức tăng 11% năm 2022 đã xuống mức giảm 4% năm 2023. Xuất khẩu chiếm 80% GDP của Việt Nam, nên sự sụt giảm này đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng GDP. VinaCapital chỉ kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ hồi phục nhẹ trong năm nay, một phần bởi dư nợ tín dụng ở Mỹ đã tăng gần 40% trong 2 năm qua, hạn chế người tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục mua sắm các sản phẩm “Made in Vietnam”. Điều này đã thể hiện qua doanh số không như mong đợi trong dịp Black Friday ở Mỹ vừa qua.
Riêng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng may mặc & giày dép của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như:
(i) nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu (CEO của Target cho biết người tiêu dùng Mỹ năm ngoái đã hoãn mua trang phục mùa đông cho đến khi thời tiết thật sự trở lạnh);
(ii) một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy đến các nước có nhân công rẻ hơn (đặc biệt là Bangladesh);
(iii) một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy ra khỏi Châu Á để tránh khả năng phải nhập cotton hoặc các nguyên liệu khác từ Trung Quốc.
Thực tế, bức tranh ngành dệt may 9 tháng đầu năm tương đối kém sắc. Đến hết tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ và thực hiện được hơn 74% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.
Tình trạng thiếu đơn hàng, biên lợi nhuận co mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc đi lùi lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành. Một loạt những tên tuổi đình đám như Dệt may Huế (Huegatex, HDM) và Dệt may Hòa Thọ (HTG), Sợi Thế Kỷ (STK), May Sông Hồng (MSH), Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đều có tăng trưởng lợi nhuận âm.
Ông lớn trong ngành là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, VGT) cũng không tránh khỏi khó khăn chung khi lãi ròng quý III giảm 77%, xuống còn 27 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của “ông lớn” ngành dệt may tăng trưởng âm.
Những tháng cuối năm, do thị trường khó khăn hơn dự đoán khiến nhiều DN xuất khẩu đã và đang điều chỉnh mạnh kế hoạch. Cuối tháng 11, Vinatex đã công bố nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, “anh cả” của ngành dệt may điều chỉnh giảm 39% lợi nhuận hợp nhất năm 2023 so với mục tiêu được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, chỉ còn 370 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất cũng điều chỉnh giảm 5,7% từ mức 17.500 tỷ đồng xuống còn 16.500 tỷ đồng.
Ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng điều chỉnh giảm mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 xuống mức 4.870 tỷ đồng và lãi trước thuế còn 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 25% so với kế hoạch ban đầu. So với thực hiện năm trước, mục tiêu lợi nhuận này cũng thấp hơn 6%.
Nguồn tin: https://cafef.vn/vinacapital-doanh-nghiep-det-may-sap-don-luong-don-hang-lon-tu-khach-quoc-te-188240112072740247.chn