Hôm 14/8, Sở Công Thương Tp.HCM, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tp.HCM và Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã ký kết hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo Tp.HCM. Theo nội dung hợp tác, các bên sẽ nghiên cứu xây dựng và vận sàn theo hình thức hợp đồng giao dịch giao ngay và hợp đồng giao dịch kỳ hạn đối với sản phẩm thịt heo.
Sàn giao dịch thịt heo TP.HCM được thành lập và phát triển trên cơ sở hạ tầng của MXV, bao gồm hệ thống giao dịch; hệ thống thanh toán; trung tâm thanh toán bù trừ; trung tâm giao nhận hàng hóa; cung cấp thông tin thị trường và giao dịch các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn quốc tế.
So với phương thức kinh doanh truyền thông, sàn giao dịch thịt heo sẽ khác biệt ở mô hình tổ chức, cách vận hành và hạ tầng công nghệ hiện đại được áp dụng vào giao dịch. Kế hoạch sẽ được triển khai lần lượt theo 3 giai đoạn: Giao dịch chào giá song phương, giao dịch giao ngay tập trung và giao dịch kỳ hạn tập trung. Trong tất cả các giai đoạn, luôn có một đơn vị độc lập có vai trò truy xuất nguồn gốc, kiểm soát số lượng hàng, kiểm định chất lượng, đảm bảo hệ thống bảo quản và logistics hoạt động hiệu quả.
85% giao dịch trên thị trường heo nằm trong tay các thương lái?
Động thái này diễn ra giữa bối cảnh thị trường heo đang biến động giá khá mạnh, trong khi nhu cầu ở mức cao. Theo thống kê, Tp.HCM đang là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước. Mỗi ngày, người dân tiêu thụ khoảng 9.000 con heo trong những ngày thường và khoảng 10.000 con heo trong 2 ngày cuối tuần. Tương ứng, thị trường thịt heo Tp.HCM có quy mô đạt gần 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thương lái chiếm đến 85% giao dịch và đóng vai trò chi phối giá cả trên thị trường.
Hiện, ngành chăn nuôi tại Tp.HCM đang phát triển theo xu hướng giết mổ tự động hoàn toàn, bảo quản thịt bằng xe lạnh. Sàn giao dịch thịt heo theo đó được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả để giúp thành phố thực hiện quy hoạch chăn nuôi hiện đại, giảm dần chăn nuôi tự phát và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp
Giới chuyên gia cho biết, mô hình sàn giao dịch với công nghệ và cách vận hành hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp cả người chăn nuôi và người tiêu dùng không bị thao túng giá, quyền lợi được bảo vệ; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao.
Phía doanh nghiệp HAGL, BAF ủng hộ và sẵn sàng tham gia
Chia sẻ với chúng tôi về dự án này, ông Trần Văn Dai – Thành viên HĐQT đồng thời là người chịu trách nhiệm về thươnng hiệu “Heo ăn chuối” tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) cho biết: “Dự án sàn thịt heo này nếu được thực thi sẽ rất tốt cho thị trường, và HAGL sẽ tham gia để giao dịch heo hơi có thương hiệu”.
Trước đó, để gia nhập thị trường heo HAGL đã tiến hành khảo sát. Theo HAGL, thị trường thịt heo trong nước tiêu thụ khoảng 35 triệu con/năm, nhưng sản phẩm rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng. Hiểu được thị trường chăn nuôi rất khốc liệt, trong đó nước ngoài đang chiếm lĩnh và doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ bé, HAGL với sản phẩm riêng là heo ăn chuối và lấy chất lượng làm lợi thế cạnh tranh đặt tham vọng là thế lực cạnh tranh trên thị trường heo thương hiệu trong 2-3 năm tới.
Một công ty niêm yết khác cũng tham gia thị trường thịt thương hiệu, đại diện CTCP Nông nghiệp BaF (BAF, chủ quan nhãn Heo ăn chay) cũng bày tỏ sự ủng hộ với dự án sàn thịt heo lần này.
Được biết, tổng đàn của BAF ghi nhận vào khoảng 230.000 đầu heo. Còn HAGL, năm 2023 theo kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên, sẽ duy trì quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất 600.000 con heo thịt/năm.
Giá heo trong quý 2 năm nay đã hồi phục 33% từ mức đáy, đưa bức tranh kinh doanh của hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp sáng trở lại. Dù vậy, nửa đầu năm, lợi nhuận của HAGL và BAF vẫn chủ yếu đến từ các hoạt động khác.
Trong đó, BAF 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu nông sản giảm 21%, doanh thu chăn nuôi giảm 5% và lần đầu phát sinh doanh thu bán bất động sản đầu tư với gần 24 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng doanh thu vẫn giảm 17% so với 6 tháng đầu năm 2022. Kết quả, lãi sau thuế Công ty đạt 16 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm đến 88% so với nửa đầu năm ngoái.
Còn HAGL, Công ty ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng sau 6 tháng, trong đó chăn nuôi heo đóng góp 1.007 tỷ. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của HAGL vào mức 405 tỷ đồng (riêng lợi nhuận khác chiếm 240 tỷ đồng), giảm 23% so với nửa đầu năm ngoái. Theo HAGL, khoản lợi nhuận khác này chủ yếu đến từ lãi do giao dịch mua rẻ công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven , doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế gần 85 tỷ đồng trong quý 2.