Cuối tháng 8, CTCP Bông Sen đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023. Tại đại hội, HĐQT công ty đã trình đại hội 4 tờ trình với những vấn đề “nóng” của công ty gồm: Thay đổi điều lệ công ty; miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên mới cho HĐQT; phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra Bộ Công An và cuối cùng là tờ trình về việc xử lý tài sản của công ty để hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.
Ban chủ tọa đại hội cũng đã trả lời những thắc mắc của cổ đông với những nội dung chính xoay quanh một số vấn đề như sau. Đầu tiên là vấn đề trái phiếu của công ty. Thứ hai là mối quan hệ giữa Bông Sen và Vạn Thịnh Phát là như thế nào. Thứ ba là dòng tiền hoạt động của công ty đang được dùng như thế nào, tại sao lại đầu tư ngoài nhiều dẫn đến thua lỗ. Và cuối cùng là tại sao công ty phải chuyển tiền vào tài khoản Bộ Công An đã chỉ định?
Ban chủ tọa đại hội đã có những thông tin đến đại hội như sau:
Đầu tiên là về vấn đề phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu, CTCP Bông Sen đã phát hành số trái phiếu theo Nghị quyết HĐQT ngày 6/9/2021 với kỳ hạn 5 năm. Tiền lãi được trả định kỳ 3 tháng một lần. Mục đích phát hành trái phiếu là để hợp tác đầu tư vào dự án 152 Trần Phú.
Về hồ sơ đầu tư, phát hành trái phiếu chi tiết công ty đã lập báo cáo đầy đủ để trình các cổ đông phê duyệt, trình thẩm định hồ sơ và công bố thông tin theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng đã cũng đã báo cáo kết quả thực hiện với các số liệu cụ thể tại các đại hội trước đây.
Trong tài sản đảm bảo mà Bông Sen đưa vào hồ trơ phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phần tại CTCP Daeha. Đây là số cổ phần sở hữu thuộc CTCP Hợp Thành 1 và Bông Sen hiện đang nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, hiện nay phía đối tác thực hiện dự án 152 Trần Phú của Bông Sen không thực hiện được những cam kết và nghĩa vụ trước đó đã đề ra nên công ty bị gián đoạn việc trả lãi cho trái chủ. Ngoài ra, phía Cơ quan Điều tra Bộ Công An đang làm việc về các nội dung trái phiếu trong đó có trái phiếu của Bông Sen. Hiện nay, tổng dư nợ cả gốc cả lãi của lô trái phiếu này đã lên tới 5.468 tỷ đồng. Như vậy, cả tiền phạt lẫn tiền lãi chậm trả là 668 tỷ đồng.
Vì vậy, công ty xin đại hội phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu. Những tải sản này bao gồm phần vốn góp của bà Trần Thị Phơ tại công ty TNHH BĐS Trí Đức; cổ phần của CTCP Daeha và một loạt mảnh đất thuộc quyền sở hữu của công ty.
Tuy nhiên, ban chủ tọa đại hội cũng cho biết việc thanh lý tài sản chỉ để thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý của Cơ quan Điều tra vì hẹn nay công ty không được phép thực hiện các việc thay đổi hay dịch chuyển tài sản nên việc tẩu tán tài sản hoàn toàn không xảy ra.
Ban chủ tọa cũng cho biết những tài sản mà công ty vừa nêu đều nằm trong hồ sơ phát hành. Công ty cũng hiểu quyền lợi của cổ đông và sẽ ghi nhận những ý kiến mà các cổ đông đã đưa ra.
Thứ hai, về mối quan hệ giữa Bông Sen và Vạn Thịnh Phát, ban chủ tọa đại hội cho biết hiện nay Bông Sen đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến trái phiếu của Vạn Thịnh Phát. Về mối quan hệ công ty sẽ thông tin đến cổ đông khi Bộ Công An có kết luận chính thức.
Thứ ba là việc tại sao công ty xin ý kiến biểu quyết về về việc chuyển tiền vào tài khoản theo quy định của Bộ Công An, ban chủ tọa cho biết Bông Sen đang được Cơ quan Điều tra yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản đó để khắc phục hậu quả.
Vừa qua công ty đã phải báo cáo thống kê tất cả các khoản thu chi, dòng tiền hoạt động để Cơ quan Điều tra xem xét. Dòng tiền này bao gồm các khoản thu vào trừ các chi phí hoạt động, lương nhân viên, công nợ phải trả, nghĩa vụ thuế với Nhà nước… Còn lại tiền dôi ra phải chuyển vào tài khoản chỉ định. Vì vậy công ty vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Liên quan đến việc công ty có mối quan hệ nào với Vạn Thịnh Phát hay không và nguồn tiền sẽ được xử lý thế nào, Bông Sen vẫn đang trong quá trình chờ kết luận của Bộ Công an. Toàn bộ dòng tiền từ việc phát hành trái phiếu cũng đang trong quá trình làm việc điều tra. Còn lại, trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp chỉ thực hiện trong phạm vi quyết định của ĐHĐCĐ, theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Cuối đại hội, các tờ trình của công ty đều được thông qua.
Được biết, Bông Sen sở hữu nhiều bất động sản đắc địa có tiếng tại Tp.HCM và Hà Nội. Tiền thân Bông Sen thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Ngày 27/12/2004, Bông Sen chính thức chuyển đổi sang mô hình CTCP với vốn điều lệ ban đầu 130 tỷ đồng.
Sau hơn 15 năm phát triển, vốn điều lệ Công ty đã tăng lên khoảng 5.000 tỷ đồng, với hàng loạt nhà hàng khách sạn hạng sang tại Tp.HCM. Kể tên bao gồm Khách sạn Palace Sài Gòn, Khách sạn Bông Sen Sài Gòn, Khách sạn Bông Sen Annex, Nhà hàng Lemongrass, Nhà hàng Buffet Gánh, Nhà hàng Lion, Nhà hàng Vegetarian…
Về mảng F&B, Bông Sen cũng là chủ quản của nhà hàng được biết nhiều là Café Brodard nằm ngay góc đường Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp, thay thế nhà hàng Bông Sen cũ.
Tại Hà Nội, năm 2015, Bông Sen chịu chi hơn 3.600 tỷ đồng để mua lại 51% vốn của Daeha – doanh nghiệp sở hữu tổ hợp khách sạn Daewoo Hà Nội và cao ốc văn phòng Daeha, tọa lạc tại số 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Đây là một trong những khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại Hà Nội và cũng là biểu tượng cho sự phát triển của Thủ đô trong hơn hai thập kỷ qua.
Nửa đầu năm, công ty lỗ lỗ sau thuế 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 280 tỷ đồng.