Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, một phần trọng yếu trong quy hoạch Trung tâm Điện-Khí LNG tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, đang được thúc đẩy mạnh mẽ với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình, hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế xã hội đáng kể và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án được đầu tư bởi Tập đoàn Tokyo Gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Hồi tháng 6/2024, chủ đầu tư đã tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường của dự án.
Đồng thời, các sở ngành và địa phương Thái Bình đang phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để triển khai các công việc liên quan như: Lựa chọn tư vấn cắm mốc ranh giới sử dụng đất; Kiểm đếm tài sản trên đất; Lập kế hoạch và dự trù chi phí phục vụ công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng (GPMB); Khảo sát hồ sơ quy chủ và thẩm định trích lục giao đất; Chi trả bồi thường GPMB và xin thuê đất.
Thái Bình. Nguồn: Sở Xây dựng Thái Bình
Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình có tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng làm nhiên liệu chính. Dự án áp dụng công nghệ sản xuất điện bằng tuabin khí với chu trình hỗn hợp hiện đại và hiệu suất cao, đảm bảo hiệu quả và thân thiện với môi trường. Được triển khai bởi Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình, dự án này hứa hẹn trở thành một biểu tượng công nghệ tiên tiến trong khu vực.
>> Soi tiềm lực 5 ông lớn đang ‘tranh tài’ giành siêu dự án 2,34 tỷ USD tại Thanh Hóa
Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình sẽ được đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, gần Khu du lịch sinh thái biển Cồn Đen. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến cung cấp khoảng 10 tỷ kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia, tương đương gấp 1,6 lần so với sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Sơn La – nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam trong năm 2023 (6,3 tỷ kWh). Sản lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nước trong 10 ngày cao điểm (vào năm 2024, mức tiêu thụ điện đỉnh điểm của cả nước đạt 1,025 tỷ kWh/ngày).
Ước tính tổng giá trị thuế nộp vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng dự án là khoảng 3.600 tỷ đồng. Khi đi vào vận hành, dự kiến trung bình mỗi năm dự án sẽ đóng góp hơn 4.000 tỷ đồng vào ngân sách. Điều này không chỉ tăng cường nguồn thu cho nhà nước mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống người dân.
Dự án dự kiến khởi công vào quý III/2025 (từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2025) và hoàn thành vận hành thương mại trước năm 2030. Sự hoàn thiện của dự án sẽ đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của tỉnh Thái Bình và các khu vực lân cận, đồng thời đóng góp vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình không chỉ phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình mà còn tuân thủ các hướng đi chiến lược của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng quốc gia. Sự đầu tư vào công nghệ hiện đại và nguồn nhiên liệu sạch giúp dự án góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
>> Lộ diện địa phương sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/thai-binh-dien-bien-moi-nhat-ve-du-an-dien-khi-lng-se-dong-gop-cho-tinh-4-000-ty-dong-nam-155555.html