Sau 6 năm niêm yết trên sàn UPCOM với mã chứng khoán DTN, đến tháng 10/2020, CTCP Diêm Thống Nhất chính thức huỷ đăng ký giao dịch. Nguyên nhân được HNX đưa ra: ” CTCP Diêm Thống Nhất không còn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng “.
Đồng thời trong năm này, Diêm Thống Nhất cũng “khai tử” sản phẩm diêm làm nên tên tuổi và thương hiệu trong suốt hơn 60 năm.
Những bao diêm Thống Nhất với vỏ hộp in hình chú chim bồ câu trắng ngậm hoa đỏ trên nền trời xanh từng là một hình ảnh quen thuộc trong các gia đình và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, thời cuộc thay đổi, nhu cầu tiêu dùng dân sinh không còn sử dụng nhiều sản phẩm diêm, khiến sản lượng tiêu thụ của Diêm Thống Nhất giảm dần từng năm.
Đến năm 2020, Diêm Thống Nhất chính thức dừng sản xuất diêm thương mại, chỉ sản xuất diêm quảng cáo theo nhu cầu đặt hàng của khách. Đồng thời, hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để sản xuất loại diêm truyền thống với chất lượng, mẫu mã tốt hơn và chi phí hợp lý hơn.
Trên thực tế, đây là một bước đi đã được dự tính từ sớm, khi vài năm trước, Diêm Thống Nhất từng công bố thông tin về rủi ro mang tính đặc thù: “Mặt hàng chính của công ty là diêm hộp các loại sử dụng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Bao bì carton. Các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác. Đặc biệt diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, giá trị thấp, có nhiều sản phẩm thay thế” .
Để đối phó với thay đổi này, Diêm Thống Nhất đã chuyển sang tập trung đầu tư cho việc mở thị trường tiêu thụ bật lửa và bao bì carton. Mặt hàng bật lửa được sản xuất từ năm 2013 và doanh số tiêu thụ tăng hàng năm.
Năm 2022, biến động đáng chú ý nhất trên Bảng cân đối kế toán của Diêm Thống Nhất là vốn góp chủ sở hữu tăng 158 tỷ đồng do góp mới trong năm. Vốn điều lệ của Diêm Thống Nhất đã tăng lên 180 tỷ đồng trong năm này.
Cùng với đó, nợ phải trả của Diêm Thống Nhất cũng tăng từ 12,3 tỷ lên 55,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng mạnh ở khoản phải trả người bán, từ 4,3 tỷ đồng hồi đầu năm tăng lên 43,7 tỷ đồng cuối năm 2022.
Đến 31/12/2022, Tổng nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh đạt 246,6 tỷ đồng, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu tài sản, có gần 158 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác, chiếm 64% tổng tài sản nhưng không được thuyết minh.
Năm 2022 ngoài đạt kỷ lục về tổng tài sản, Diêm Thống Nhất cũng ghi nhận kỷ lục về doanh thu (293 tỷ đồng) và lợi nhuận (7 tỷ đồng sau thuế). Những năm trước đây, mặc dù không thua lỗ, nhưng lợi nhuận của Diêm Thống Nhất luôn rất khiêm tốn ở mức từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng/năm, và doanh thu dao động từ trên 100 đến dưới 150 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy nguyên nhân chính giúp lợi nhuận công ty được cải thiện trong năm 2022 là do doanh thu bán hàng tăng 136% so với năm 2021. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi mang lại cho doanh nghiệp khoản doanh thu tài chính hơn 4,3 tỷ đồng, đóng góp vào kết quả lợi nhuận chung.
Năm 2023, HĐQT thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu 267 tỷ đồng, trong đó Diêm: 42.000 kiện; Bật lửa: sản xuất 30 triệu chiếc và nhập khẩu 6 triệu chiếc; bao bì carton: 2,5 triệu m2.
Lợi nhuận sau thuế 2023 đặt mục tiêu đạt 11,2 tỷ đồng, cổ tức từ 1%-2%.