“Phép toán đời thường”
Ông Ngọ Trường Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả – cho biết: “Mỗi dự án đều có những “cái khó” riêng và cách “hóa giải” riêng. Nhưng tổng kết lại Đèo Cả đã vận dụng linh hoạt các “phép toán đời thường” gồm cộng, trừ, nhân, chia để có được những kết quả như ngày nay”.
Phép cộng: khi bắt đầu làm dự án Đèo Cả, chúng tôi chưa được nhiều người biết đến, nguồn lực cũng hạn chế. Vậy nên cách duy nhất để làm được việc lớn là “cộng” nguồn lực của nhiều chủ thể. Từ những chuyên gia, ngân hàng, các nhà thầu, nhà tư vấn trong nước… Cuối cùng chúng tôi cùng thành công với một dự án hầm đường bộ rất lớn, rất khó được thực hiện bởi những con người Việt Nam.
Phép nhân: khi làm xong hầm Đèo Cả, chúng tôi đã tích lũy được nhiều nguồn lực và kinh nghiệm quản lý dự án. Từ đó chúng tôi đã “nhân” rộng mô hình để làm lời giải cho những dự án cao tốc bị đình trệ kéo dài như Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận. Lần lượt những vướng mắc được tháo gỡ để rồi hoàn thành các dự án này trong sự hân hoan của người dân và chính quyền.
Phép chia: Đối với các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, ngoài sự cộng lực, nhân mô hình quản lý tối ưu, chúng tôi còn xác định cần “chia” sẻ lợi ích cho các doanh nghiệp cùng tham gia, chia sẻ quyền lợi cho các cổ đông, cho người lao động khi cùng đồng hành thực hiện các dự án. Ngoài ra, các bên cũng phải chung tay chia sẻ rủi ro cùng với nhau, xác định khi gặp khó phải cùng nhau kiên định vượt qua. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp chúng tôi chinh phục những khó khăn, thách thức.
Phép trừ: Điều cuối cùng tôi muốn nói đến chính là phép “trừ”, trừ đi những sân si, lợi ích ngắn hạn. Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận, chắc chắn sẽ không chọn những dự án khó như vậy để làm. Nhưng chúng tôi xác định là doanh nghiệp bên cạnh việc phục vụ lợi ích cổ đông, cần có trách nhiệm để cùng dựng xây đất nước, phục vụ người dân, đó mới là cách để phát triển bền vững.
Với nhiều dự án hạ tầng giao thông, chậm tiến độ có lẽ là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng với Đèo Cả lại là câu chuyện ngược lại, đơn vị nhận nhiệm vụ khó và luôn đưa các dự án bứt tốc về đích vượt tiến độ.
“Khi tiếp cận các dự án đầy thách thức, quan điểm xuyên suốt của Đèo Cả là xác lập rõ trách nhiệm của các bên. Chỉ khi làm được điều đó, thì việc triển khai các dự án mới đạt được hiệu quả mong muốn. Hợp tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông là phía công (nhà nước, địa phương) cùng làm với phía tư (doanh nghiệp). Những gì thuộc trách nhiệm của phía công, phía công phải tường minh, giải quyết và ngược lại” – ông Nam nói.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, đã có nhiều dự án doanh nghiệp chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào rà soát, làm rõ tất cả vướng mắc, phân rõ thẩm quyền giải quyết, đâu là trách nhiệm của chủ đầu tư, nút thắt nào cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý dự án không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình thi công mà còn đảm bảo chất lượng công trình đạt tiêu chuẩn cao nhất. Khi trách nhiệm được làm rõ, nút thắt được tháo gỡ, các bên vận hành theo đúng kế hoạch… là cơ sở để các dự án về đích đúng và vượt tiến độ.
Khát vọng chinh phục lĩnh vực mới
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án đường sắt đô thị đang là những dự án nổi bật, thu hút sự quan tâm lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây không phải lĩnh vực dễ dàng, bởi có những dự án đã và đang được thực hiện bởi những nhà thầu ngoại nổi tiếng nhưng rất ì ạch, thậm chí thất bại. Là một doanh nghiệp mạnh về xây dựng công trình đường bộ nhưng mới đây Đèo Cả đã lên kế hoạch tham gia đấu thầu các dự án đường sắt.
Trao đổi về kế hoạch mới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng chưa có doanh nghiệp nào trong nước có kinh nghiệm, do đó việc kết hợp với đối tác nước ngoài để cùng tham gia học tập, chuyển giao, đào tạo nguồn nhân lực… là điều tất yếu. “Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động kết nối với nhiều đối tác quốc tế (Trung Quốc, Pháp…) đặt vấn đề hợp tác thực hiện các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã thẳng thắn chỉ ra các dự án ì ạch mà các doanh nghiệp nước ngoài gây ra tại Việt Nam để các đối tác tự đánh giá chính mình và có bài học kinh nghiệm đi đến hợp tác sau này. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng giải pháp quan trọng là phải tận dụng tối đa nguồn lực trong nước, phát huy nội tại để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận, tiến tới làm chủ các công nghệ mới” – ông Nam nói.
Trong buổi làm việc cùng với Thường trực Chính phủ về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia ngày 3/10 vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả đã có đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó xem xét phân chia các hợp phần đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Cụ thể: Hợp phần 1 – Đối với các hạng mục dưới ray như cầu, đường, hầm… cần giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện vì đã có nhiều kinh nghiệm ở các dự án lớn tương tự dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Hợp phần 2 – Đối với các hạng mục trên ray như về đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu… chúng ta chưa có kinh nghiệm thì giao doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp quốc tế để thực hiện.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, với lịch sử hình thành và phát triển gần 40 năm, trong hành trình ấy dẫu rằng Đèo Cả đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng đã lại nhiều dấu ấn rất tự hào. Tập đoàn Đèo Cả đã xác lập 3 giá trị cốt lõi, đó cũng chính là ngọn đuốc dẫn dắt tập đoàn trên hành trình sắp tới: Khát vọng, kiên định và tri ân.
>>Sắp chi nghìn tỷ mở rộng cao tốc từng do Đèo Cả, Xây dựng Trường Sơn thi công
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/deo-ca-nguoi-khai-mo-xay-dung-nhung-cong-trinh-kho-hon-len-troi-166867.html