Theo kế hoạch năm 2023, chuỗi FPT Shop sẽ thận trọng trong việc mở rộng hệ thống (điều này phụ thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu tiêu thụ hàng hoá). Công ty cũng đưa ra các chính sách khuyến mại, trợ giá để đồng hành với khách hàng trong bối cảnh khó khăn, dự kiến biên lợi nhuận 2023 sẽ thấp hơn các năm trước.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh sức mua giảm mạnh. Nếu như vào cuối năm ngoái, chỉ những người có thu nhập trung bình trở xuống thắt chặt chi tiêu, thì đến nay người có tiền cũng bắt đầu “cân đong đo đếm” trong việc mua sắm hàng không thiết yếu, hàng giá trị cao. Chưa kể, nhóm khách hàng trả góp cũng giảm mạnh trước việc lãi suất tăng và chính sách cho vay tiêu dùng thắt chặt hơn.
Ngược lại, để cải thiện hiệu suất, FPT Shop cho biết tiếp tục mở bán các mặt hàng gia dụng. Hiện, số cửa hàng gia dụng đã đạt 300 cửa hàng, dự đến cuối năm sẽ tăng gấp đôi lên 600 cửa hàng.
Được biết, năm 2022, Công ty đã thử nghiệm bán hàng gia dụng và ghi nhận tín hiệu tích cực. Chia sẻ sâu hơn tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, đại diện FPT Retail (FRT, công ty vận hành chuỗi FPT Shop) cho biết mảng mới là hàng gia dụng đang đóng góp 2,5% tổng doanh thu FPT Shop, với biên lãi gộp khá cao 20-25%. Kỳ vọng 3 năm tới, mảng này sẽ đóng góp tỷ trọng 15% tổng doanh thu chuỗi FPT Shop.
Đây còn là cách FRT đi tìm động lực tăng trưởng mới, trong bối cảnh ngành hàng ICT đã không còn yếu tố đột biến và đặc biệt là hạn chế tham gia cuộc chiến hạ giá hiện nay. Cụ thể:
Thứ nhất
, với ngành ICT nếu trước đây kinh tế tốt, khách hàng 1 năm đổi điện thoại 1 lần thì nay phải 2-3 năm mới thay đổi. Do đó, FPT Shop sẽ không còn tăng trưởng đột biến, dù vẫn duy trì mức tăng ổn định.
Thứ hai,
cuộc chiến về giá, dễ thấy nhất là giá iPhone Việt Nam hiện nay đang thấp nhất thế giới, với tình trạng giá bán như vậy thì hầu hết các bên kinh doanh đều lỗ.
“Câu hỏi là tại sao lỗ vẫn làm?”,
phía FRT đặt vấn đề, và cho rằng cần thời gian tìm hiểu thêm.
Về ngắn hạn, khi các bên bán hạ giá thì FRT cũng phải hạ theo, nhưng dài hạn FRT sẽ mở rộng ngành hàng để hạn chế cuộc chiến về giá “vô nghĩa” này.
“Dĩ nhiên trong quá trình thị trường khó khăn sẽ có “đánh nhau”, nhưng lâu dài chỉ kéo nhau xuống, chả ăn được của nhau đâu. Cuộc chiến về giá này chúng tôi đánh giá không phải là bài toán hay. Nhưng, ngắn hạn thị trường hạ chúng tôi cũng sẽ hạ để bán được hàng
”,
Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp bổ sung.
Thực tế, nhiều công ty kinh doanh mảng ICT đã sớm lấn sân hàng gia dụng. Ngoài MWG quá thành công với chuỗi Điện Máy Xanh, thì Digiworld từ năm 2021 đã bắt đầu bán Tivi thương hiệu Xiaomi. Sang năm 2022, Digiworld bắt tay với đối tác mới là Whirlpool, Eufy, Joyoung với danh mục mở rộng bao gồm tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo…
Trả lời cổ đông khi so sánh với đối thủ, phía FRT nhấn mạnh:
“Cần phân loại đồ gia dụng và đồ gia dụng thông minh. Hiểu đơn giản, những gì có thể điều khiển được bằng điện thoại thì gọi là đồ gia dụng thông minh. Hiện tại FRT có khoảng 300 cửa hàng gia dụng, bao gồm hàng thường và hàng thông minh. Trong đó, hơn 100 cửa hàng tập trung hàng thông minh thương hiệu Xiaomi”.
Năm 2023, theo kế hoạch có khoảng 600 cửa hàng thì khoảng 200-250 cửa hàng gia dụng của FPT Shop tập trung vào hàng gia dụng thông minh.
Ngoài ra, Công ty cũng dần mở rộng danh mục sản phẩm theo mô hình shop-in-shop. Theo tờ trình năm nay, FRT có thể sẽ bán bổ sung hàng loạt ngành mới vào như bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác chưa được phân vào đâu.