Doanh nghiệp sân golf niêm yết trên sàn chứng khoán là CTCP Đầu tư PV – Inconess (UPCoM: RGC) với sân Golf Hoàng Gia Ninh Bình đã có 12 năm liên tục báo lỗ.
Trong 10 năm từ 2012 đến 2022, RGC lỗ sau thuế mỗi năm khoảng mười mấy tỷ, 2022 là năm có kết quả kinh doanh khả quan, lỗ thấp nhất (-2 tỷ đồng).
Trong 5 năm trở lại đây, tổng tài sản của RGC tăng liên tục, từ mức 881 tỷ đồng vào cuối năm 2018 đã đạt 1.426 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Vốn chủ sở hữu đến cuối 2022 đạt 730 tỷ đồng.
3 tháng đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của RGC tích cực hơn khi đạt hơn 33 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận gộp đạt hơn 10 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 59% lên hơn 23 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế của công ty đạt 4,3 tỷ đồng, gấp khoảng 39 lần so với quý 1/2023.
Theo doanh nghiệp, kết quả kinh doanh quý 1 thay đổi 10% trở lên so với năm 2022. Nguyên nhân do số lượng khách quý 1/2023 đạt 16.984 lượt, tăng 6.600 lượt so với cùng kỳ năm 2022 làm cho doanh thu dịch vụ golf tăng 8,56 tỷ đồng.
Do số lượt khách chơi golf tăng cùng với việc đưa nhà hàng số 2 và villas 8 căn zone 3B vào hoạt động nên doanh thu nhà hàng tăng 807 triệu đồng, doanh thu khách sạn 846 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Một doanh nghiệp kinh doanh sân golf khác là CTCP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành mới đây vừa công bố tình hình tài chính 2021-2022. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 27 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021.
Vốn chủ sở hữu (VCSH) công ty đến cuối năm ngoái đạt 6.715 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/VCSH đạt 2,06 lần; Dư nợ trái phiếu/VCSH đạt 0,22 lần.
Hệ số sinh lời trên vốn chủ ROE năm 2022 đạt 0,4% nhích nhẹ so với mức 0,3% của năm 2021. Đây là mức sinh lời rất khiêm tốn khi trung bình doanh nghiệp bỏ ra 100 đồng vốn chủ chỉ thu về chưa đến nửa đồng lời.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh sân golf thuần túy (phí chơi và phí dịch vụ) không hề đơn giản. Nguồn thu cho các sân golf đến từ nhiều mảng, gồm phí hội viên, phí chơi một vòng golf, doanh thu từ bán dụng cụ, trang phục chơi golf, phí caddie, cũng như doanh thu từ mảng lưu trú, ăn uống phục vụ cho khách chơi… Trong số đó, phí hội viên (khoảng 20.000 USD /người) chính là nguồn thu quan trọng nhất cho các chủ đầu tư golf.
Theo khảo sát của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), một sân golf 18 lỗ, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải có khoảng 33.000 lượt người chơi/năm.
Trên thực tế, với số lượng trung bình khoảng 500 người chơi cho mỗi sân hiện nay, áp lực duy trì lợi nhuận cho các sân golf rất lớn do doanh thu hàng năm không đủ bù đắp nổi chi phí duy trì sân và đội ngũ nhân viên túc trực rất tốn kém.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh san sẻ miếng bánh khi các sân golf mới xuất hiện là điều không thể tránh khỏi trong khi tính phổ biến của loại hình thể thao này ở nước ta chưa bằng được với các môn khác như bóng đá, tennis,…