Phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, với các cáo buộc liên quan đến Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới và Rửa tiền đã chuyển sang phần bào chữa. Luật sư Lê Hồng Nguyên, người bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, đã trình bày các luận điểm nhằm bảo vệ thân chủ.
Luật sư Lê Hồng Nguyên đã nhấn mạnh rằng Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc SCB, không có vai trò quan trọng trong quá trình lựa chọn các công ty phát hành trái phiếu và không tham gia vào quá trình đưa ra phương án phát hành. Văn chỉ tham gia sau khi các hoạt động chính đã được quyết định, với nhiệm vụ bán trái phiếu cho các nhà đầu tư.
Trong lời khai của mình, bị cáo Văn khẳng định chỉ đảm nhận vai trò trong giai đoạn “trái phiếu sơ cấp đã hoàn thành”. Công việc chính của ông là hướng dẫn nhân viên SCB bán trái phiếu cho các nhà đầu tư, và ông không trực tiếp tham gia vào quá trình phát hành hay điều hành việc chạy dòng tiền như cáo trạng đã quy kết.
Theo Văn, quy trình bán trái phiếu của 4 công ty cho các nhà đầu tư là xuất phát từ bữa cơm trưa. Bữa cơm này có Trương Mỹ Lan, bị cáo và một số người khác. Tuy vậy theo Võ Tấn Hoàng Văn, buổi họp này chỉ mang tính thăm dò, tại đó, Trương Mỹ Lan chỉ đặt vấn đề phát hành trái phiếu thế nào. Văn cho rằng mình không nắm rõ thủ tục, nên đề nghị tham vấn từ chứng khoán Tân Việt.
Có 5 ‘đại nhân vật’ được Lan mời tới bữa ăn chục nghìn tỷ gồm Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó TGĐ phụ trách tài chính Tập đoàn VTP.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Chân dung 5 ‘đại nhân vật’ được Trương Mỹ Lan mời bữa cơm chục nghìn tỷ
Luật sư Nguyên lập luận rằng cáo trạng quy kết Võ Tấn Hoàng Văn giúp sức cho Trương Mỹ Lan trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiếu căn cứ. Theo luật sư, Văn chỉ đóng vai trò hỗ trợ tiêu thụ trái phiếu mà không biết trước về những sai phạm liên quan đến việc phát hành trái phiếu từ các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Theo lời biện hộ, chủ trương phát hành trái phiếu, phương án chạy dòng tiền… đều không có vai trò của bị cáo.
Với tội danh Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, Luật sư Nguyên cho rằng cáo buộc là không đúng. Quá trình chuyển tiền từ SCB đã được thực hiện theo đúng quy trình, có báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và không có sự sai phạm nào được xác định trong quá trình này. Việc cho rằng Võ Tấn Hoàng Văn phạm tội liên quan đến việc chuyển tiền là không phù hợp với quy trình hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu SCB có 05 công ty chuyển tiền từ nước ngoài về để góp vốn đã được NHNN chấp nhận, do vậy, cần xem đây là nguồn tiền hợp pháp.
Theo đúng quy trình của SCB, nhân viên dưới quyền Văn trình lên, các giấy tờ này không có ghi chú sai sót gì giống như cáo trạng quy kết. Do vậy, ý thức chủ quan, về quy trình nghiệp vụ, bị cáo Văn không biết được các sai sót như Cáo trạng quy kết.
>> Võ Tấn Hoàng Văn yêu cầu xác định lại số tiền giúp sức Trương Mỹ Lan: 7.900 tỷ chứ không phải 28.469 tỷ
Về cấu thành tội phạm, theo Luật sư, hành vi vận chuyển trái phép không đúng quy định qua biên giới là trên bộ, trên không, trên biển. Phương thức vận chuyển có thể mang vác bằng sức người hay phương tiện vận tải. Tiền tệ theo quy định của tội danh tại Điều 189, phải là vật chất chứ không phải là tiền trên phương tiện điện tử.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò của Võ Tấn Hoàng Văn trong vụ án, nhấn mạnh rằng ông chỉ thực hiện công việc theo đúng trách nhiệm của một Tổng Giám đốc ngân hàng mà không biết về những hành vi phạm pháp của những người khác. Đồng thời, luật sư cũng kiến nghị tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Một luật sư ‘tố’ Cơ quan điều tra đã bắt giữ thân chủ trước khi có lệnh bắt
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/dai-nhan-vat-duoc-truong-my-lan-moi-bua-trua-chuc-nghin-ty-khai-buoi-hop-chi-mang-tinh-chat-tham-do-165775.html