CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) vừa công vố BCTC hợp nhất quý 2/2023, ghi nhận doanh thu 1.638,5 tỷ đồng – tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lợi nhuận Công ty thu về hơn 102 tỷ đồng – gấp 1,5 lần cùng kỳ. Trong kỳ, các chi phí đều tăng mạnh khiến LNST Công ty còn 12 tỷ đồng, lãi ròng hơn 10 tỷ – tương đương 1/4 so với cùng kỳ quý 2/2022.
Phát sinh doanh thu bán BĐS đầu tư gần 24 tỷ đồng
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu BAF ghi nhận 2.456 tỷ đồng – giảm 17% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh thu các mảng đều giảm, trong đó giảm nhiều nhất là doanh thu bán nông sản giảm gần nửa xuống còn 1.844 tỷ đồng, doanh thu hoạt động chăn nuôi giảm nhẹ. Đáng chú ý, trong kỳ BAF lần đầu phát sinh doanh thu bán bất động sản đầu tư với gần 24 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng đột biến nhờ khoản lãi chuyển nhượng hơn 14 tỷ đồng. Công ty cũng tăng mạnh lãi tiền gửi và cho vat lên hơn 8 tỷ (cùng kỳ chỉ vào khoảng 512 triệu đồng). Dù vậy, chi phí lãi vay tăng đột biến lên gần 68 tỷ đồng.
Lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận
Tính đến thời điểm 30/6/2023, dư nợ vay ngắn hạn tăng gấp đôi lên hơn 409 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty tăng vay thêm hơn 140 tỷ đồng ngắn hạn tại các ngân hàng BIDV, Vietcombank và MBBank.
Dư nợ vay dài hạn cũng tăng gấp đôi lên 1.194 tỷ đồng, chủ yếu do khoản trái phiếu chuyển đổi hơn 427 tỷ đồng. Được biết, đây là lô trái phiếu 600 tỷ đồng, BAF đã chuyển đổi hơn 153,4 tỷ sang vốn chủ sở hữu và nợ gốc 450,5 tỷ được xác định bằng cách chiết khấu các khoản thanh toán trong tương lai theo lãi suất tương đương lãi vay.
Khấu trừ chi phí, lãi sau thuế Công ty đạt 16 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm đến 88% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong bối cảnh giá heo hồi phục, nhiều bên có lãi mỏng trở lại từ mảng heo (riêng Dabaco lãi đột biến nhờ ghi nhận mảng bất động sản) thì chỉ số của BAF khá bất ngờ. Khi, áp lực từ lãi vay (chuyển đổi dư nợ trái phiếu) đã “ăn mòn” đáng kể lợi nhuận của Công ty.
Giải trình cho kết quả trên, BAF cho biết trong kỳ Công ty đã cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín.
Về mảng heo, giá heo từ đầu năm đến nay duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước, và đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối quý 2/2023. Trong khi, sản lượng heo bán ra của BAF chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, các trang trại mới chưa được đưa vào vận hành năm nay.
Được biết, BAF là chủ quản thương hiệu Heo ăn chay. Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, đại diện là ông Trương Sỹ Bá bày tỏ sự lạc quan về mảng heo của BAF, vì Công ty bảo vệ được đàn và đang lấy thêm thị phần từ hộ nông dân.
“Dịch tả châu Phi hoành hành tại Việt Nam từ năm 2019 đến nay, tôi nhấn mạnh là chưa có vắc xin chính thức. Hiện có nhiều bên dùng vắc xin, nhưng chưa có kiểm định rõ ràng nên BAF không dùng. Thay thế, BAF chú trọng nuôi bằng công nghệ sinh học, tăng sức đề kháng con heo.
Hiện, rất nhiều công ty sử dụng thử nghiệm vắc xin dịch tả châu Phi, và hậu quả là bị dịch cả bầy, chết hết thậm chí chết cả đàn nái.
Nhìn chung, chăn nuôi nếu ông nào bảo vệ được đàn thì sẽ không bao giờ lỗ. Còn ông nào lỗ thì bị dịch hết rồi, dù họ không thể nào hô tôi dịch hết rồi. BAF trong nghề, chúng tôi biết rõ bên nào đàn bao nhiêu và dịch ra sao. BAF có thể báo cáo quý cổ đông, chúng tôi bảo vệ được đàn nên không lo lắng gì”, ông Bá nói.
Năm 2023, BAF thông qua kế hoạch doanh thu 7.526 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ.