Cánh đồng lúa Tam Cốc, huyện Hoa Lư được báo Anh Business Insider vinh danh là 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Năm nay, để thu hút du khách, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình, ngành du lịch tỉnh đã khắc họa bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” trên cánh đồng rộng hơn 9.500m2.
Bức tranh mang hình ảnh một đôi cá chép có thân hình béo khỏe đang chơi đùa cùng ánh trăng bằng chính chất liệu cây lúa nước để cầu mong cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Để tạo nên bức tranh, nông dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cùng tham gia với các chuyên gia để tính toán kỹ lưỡng thời gian cấy, tạo thửa, tạo hình khối làm nên bức tranh nghệ thuật đặc sắc “Lý ngư vọng nguyệt” giữa dòng sông Ngô Đồng.
Lãnh đạo địa phương cho biết thêm, một thông điệp rất quan trọng được gửi gắm qua bức tranh này đó là mong muốn người nông dân hãy cùng với chính quyền tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa, giá trị thiên nhiên của di sản để khai thác du lịch cộng đồng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Ninh Bình phát triển du lịch bền vững.
Theo tìm hiểu, chính Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đã đưa ra ý tưởng khắc họa bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” này nhằm nâng tầm giá trị của hoạt động của nông nghiệp thông qua hình ảnh cây lúa.
Trước khi đề xuất ý tưởng độc đáo nào, DN tư nhân Xây dựng Xuân Trường từ lâu đã nổi tiếng với những công trình, dự án văn hóa, tâm linh trị giá chục nghìn tỷ đồng trên khắp Việt Nam.
DN tư nhân Xây dựng Xuân Trường và loạt công trình gây tiếng vang
Do ông Nguyễn Văn Trường (SN 1964) đứng đầu, Xuân Trường đã mạnh tay đầu tư khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng, ngoài ra còn đề xuất nhiều dự án là các khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng); Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) 15.000 tỷ đồng; Tam Chúc (Hà Nam) 11.000 tỷ đồng,… và gần nhất là đề xuất xin được triển khai dự án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa” với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 25.000 tỷ đồng tại Hưng Yên vào tháng 9 năm ngoái.
Dự kiến, tổng diện tích đất cho đề án là 1.874,8ha, chủ yếu khai thác khu đất ngoài bãi sông Hồng, không sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, khu quần thể Phố Hiến xưa có quy mô 511,3ha, để phục dựng khoảng 3.000 nhà cổ, trung tâm tâm linh tín ngưỡng, đình thờ tổ nghiệp trên mặt nước, trung tâm hội nghị, lễ hội cho doanh nhân…
Trong hồ sơ xin đề xuất, dự án này sẽ phục dựng những ngôi nhà cổ của Việt Nam, những ngôi nhà do thương nhân 12 nước châu Á xây dựng như Xiêm, Lữ Tống, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…Đồng thời, phục dựng sự hiện diện của các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… để gợi nhớ về thương cảng Phố Hiến sầm uất nhất khi thương nhân quốc tế đến buôn bán.
Hay hồi tháng 11/2021, Công ty Xây dựng Xuân Trường cũng đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và trình bày đề xuất quy hoạch khu du lịch sinh thái Hồ Thanh Long thành một khu du lịch tổng hợp tầm cỡ quốc gia.
Toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 1.502ha, với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngâm dưới lòng hồ. Ngoài ra, ngôi chùa Thanh Long sẽ được xây dựng trên các đảo nổi trong lòng hồ để thu hút khách du lịch. Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ cải tạo mỹ quan khu vực, đặc biệt là điểm kết nối làm nổi bật khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Đến tháng 4/2022, Xuân Trường đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP. Chí Linh về việc nghiên cứu đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long. Doanh nghiệp cũng cam kết đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào khu du lịch này.
Ông Nguyễn Văn Trường từng nói về việc đầu tư các dự án tâm linh quy mô lớn khi đề xuất xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) với quy mô khoảng 1.000ha, tổng mức đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng răng: ” Tôi đề xuất như thế, để bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào có tâm, có tầm đầu tư chứ không phải nhận cho mình. Ý tưởng này là một phần trong dự án xây dựng tuyến đường tâm linh kết nối di sản có chiều dài khoảng hơn 100km, nối 10 di sản nổi tiếng của Việt Nam. Ở Việt Nam, chúng ta có nhiều địa danh, thắng cảnh được UNESCO xếp hạng nhưng lại chưa có con đường tâm linh nào kết nối các địa danh đó với nhau. Ý tưởng của tôi là xây dựng sơ đồ con đường tâm linh kết nối di sản “.
Không chỉ dừng lại ở các siêu dự án tâm linh, trong mảng hạ tầng, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường còn là nhà thầu quen thuộc tại nhiều dự án hạ tầng giao thông như quốc lộ 1, quốc lộ 10 qua tỉnh Ninh Bình; cao tốc nối TP. Hạ Long đến cầu Bạch Đằng, tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, qua địa phận tỉnh Hà Nam, Hưng Yên…
Tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Xuân Trường là nhà thầu độc lập được lựa chọn để thi công dự án Cao Bồ – Mai Sơn với tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng và đã hoàn thành vào năm 2021.
Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Xuân Trường là doanh nghiệp tư nhân chuyên ngành xây dựng cơ bản được thành lập theo quyết định số 09/GP-UB ngày 12/3/1993 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Đến tháng 1/2021, DN tư nhân xây dựng Xuân Trường có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng với 4.000 lao động.
Đây hiện chỉ là một trong nhiều công ty do ông Nguyễn Văn Trường làm chủ, bên cạnh các công ty khác như Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Khách sạn Hoa Lư, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An, sân Golf Tràng An, khu du lịch hồ Đồng Chương ở Ninh Bình…