Thâu tóm ‘xác’ công ty thua lỗ tạo hệ sinh thái
Ngày mai (8/5), TAND TP Hà Nội tái mở phiên xét xử sơ thẩm ông
Đỗ Đức Nhân
(Chủ tịch Louis Holding); Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Hầu tòa cùng tội nêu trên có bị can: Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt); Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt); Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt); Vũ Ngọc Long (cựu Tổng giám đốc Louis Holding); Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) và Ngô Ngọc Vũ (Tổng giám đốc Công ty CP Louis Capital).
Theo cáo buộc, Công ty Louis Holdings do ông Đỗ Thành Nhân làm Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật. Từ năm 2020 – 2021, Louis Holding đã mua cổ phẩn sở hữu, chi phối nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm “hệ sinh thái” Louis Holding.
Hoạt động của hệ sinh thái này cũng đều do ông Nhân chỉ đạo, điều hành và Louis Holding là trung tâm điều phối mọi hoạt động đầu tư tài chính, cân đối dòng tiền để duy trì hoạt động.
Năm 2021, ông Nhân chỉ đạo mua cổ phiếu, thâu tóm các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán kinh doanh thua lỗ, giá trị cổ phiếu rất thấp (mua “vỏ”, mua “xác”), sau đó, cho các công ty con sở hữu chéo nhau để tạo “hệ sinh thái” Louis Holding. Trong đó, 2 công ty đầu mối lớn là Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán TGG) và Công ty cổ phần Louis Land (mã chứng khoán BII) sở hữu cổ phần của các công ty bao gồm: AGM, SMT, VKC, DDV và APG.
‘Lùa gà’
Cơ quan truy tố xác định, khi có hai mã cổ phiếu BII và mã TGG trong tay, Nhân bàn bạc với ông Nam tìm cách thao túng. Họ thống nhất mở các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu. Mục đích của việc này là nhằm tăng tính thanh khoản, đẩy giá BII và TGG tăng cao.
Cụ thể, đối với hành vi thao túng mã cổ phiếu BII, tháng 1/2021, ông Nhân đăng ký và sử dụng tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CK Beta mua thử 95.498 cổ phiếu BII với giá 1.000 đồng/cổ phiếu và bán hơn 49.812 cổ phiếu BII với giá khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu.
Thấy có lãi, Nhân thống nhất với Nam về việc mở tài khoản chứng khoán tại Công ty CK Trí Việt và ký thủ tục vay vốn tại
Công ty QLTS Trí Việt
, rồi khớp lệnh mua thỏa thuận trên sàn số lượng 6.000.000 cổ phiếu BII đứng tên ông Đỗ Cần, với giá từ 5.700 – 6.500 đồng/cổ phiếu.
Đồng thời, Nhân còn nhờ người thân đứng tên mở tài khoản chứng khoán tại TVB, ký hợp đồng hợp tác đầu tư vay vốn với Công ty QLTS Trí Việt và Nhân sử dụng các tài khoản này để mua thỏa thuận trên sàn tổng cộng 4.000.000 cổ phiếu BII với giá 6.200 đồng/cổ phiếu của ông Đỗ Cần. Tổng giá trị mua, bán 10.000.000 cổ phiếu BII nêu trên là 59,8 tỷ đồng.
Cáo buộc nêu, sau khi sở hữu số lượng lớn cổ phiếu BII, từ tháng 2/2021, Nhân và Nam tiếp tục sử dụng các tài khoản chứng khoán trên và các tài khoản của các nhân viên để liên tục mua bán thỏa thuận, mua bán nội bộ, giao dịch khớp lệnh chéo trong nhóm đẩy giá tăng đến 11.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/4/2021.
Sau đó, Nhân và Nam tiếp tục sử dụng thêm các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CK Trí Việt đứng tên các cá nhân là nhân viên của Nhân để mua bán nội bộ, khớp lệnh chéo mã chứng khoán BII để tăng tính thanh khoản, tăng giá cổ phiếu BII.
Tổng cộng nhóm tài khoản chứng khoán do Đỗ Thành Nhân sử dụng để mua bán, giao dịch khớp lệnh chéo là 17 tài khoản của 15 cá nhân/pháp nhân. Nguồn tiền để thực hiện việc mua bán mã chứng khoán BII chủ yếu là nguồn cho vay của Công ty QLTS Trí Việt và nguồn tiền quay vòng, luân chuyển giữa các tài khoản cá nhân trong nhóm Đỗ Thành Nhân.
Đến tháng 8/2022, Nhân còn lập Group Facebook “Louis Family” số lượng hơn 10.000 người tham gia và Nhân viết bài “lùa gà” với nội dung như: “Hôm nay, ĐHCĐ BII, đặt lệnh hôm nay – lưu lại ngày mai”; “Từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái”, “Từ đây đến cuối năm; BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng chứng….”.
Cáo buộc cho rằng, những bài viết của Nhân đã thu hút được sự chú ý của số lượng rất lớn nhà đầu tư. Sau khi hô hào, lôi kéo nhà đầu tư, giá cổ phiếu BII liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao. Đỉnh điểm vào ngày 18/9/2021, giá cổ phiếu đã lập đỉnh 33.800 đồng/cổ phiếu (gấp khoảng 10 lần thời điểm nhóm Nhân mua vào).
Đến ngày 6/10/2021 nhóm Nhân và Nam đã thực hiện xong việc bán chốt lời, thu lợi bất chính hơn 63 tỷ đồng với mã BII.
Tương tự, với mã cổ phiếu TGG, từ đầu tháng 2/2021 – 6/2021, nhóm Nhân bắt đầu mua vào khoảng giá 1.800 đồng/cổ phiếu; Nhân và Nam sau đó sử dụng các tài khoản chứng khoán người thân, nhân viên công ty,liên tục mua vào hơn 10,2 triệu cổ phiếu TGG, giá trị hơn 47 tỷ đồng ở khoảng vùng giá 4.000 – 5.000 đồng/cổ phiếu và liên tục mua, bán nội bộ đẩy giá tăng biên độ kịch trần tại nhiều phiên liên tiếp và đạt 13.200 đồng/cổ phiếu.
Đến tháng 8/2021, sau khi hô hào và thu hút được sự chú ý của số lượng lớn nhà đầu tư, giá cổ phiếu TGG liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao. Điển hình vào ngày 22/09/2021, mức giá lập đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu (gấp khoảng 37 lần thời điểm nhóm ông Nhân mua vào).
Ngay sau khi thiết lập vùng giá đỉnh, các phiên cổ phiếu TGG giảm sàn liên tục do mất thanh khoản, không giao dịch mua hoặc khối lượng giao dịch mua bán rất ít, giá TGG sau đó giảm về 10.550 đồng/cổ phiếu. Với mã TGG, các bị can đã thu lời bất chính hơn 90 tỷ đồng.
Như vậy, với hành vi thao túng hai mã TGG và BII, nhóm ông Nhân thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ quan truy tố cáo buộc, quá trình thực hiện hành vi thao túng, khi báo chí đưa tin có dấu hiệu bất thường trong việc giao dịch cổ phiếu mã BII, TGG, bị can Phạm Thanh Tùng đã chỉ đạo bộ phận Maketing của Công ty làm việc với báo chí để xử lý, và chỉ đạo Đỗ Đức Nam vẫn tiếp tục cho vay nhưng chia nhỏ các khoản vay để tránh bị phát hiện; khi có thông tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, thanh tra, Tùng chỉ đạo thay toàn bộ ổ cứng máy vi tính của Công ty và xoá tin nhắn có liên quan để tránh bị phát hiện.
Trong vụ án, Công ty Quản lý Tài sản Trí Việt bị quy kết cho nhóm ông Nhân vay hơn 748 tỷ đồng. Đổi lại, ông Nhân đã trả trả hơn 14 tỷ đồng tiền lãi vay cho công ty theo các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán.