Ở bất kỳ quốc gia nào, việc sở hữu bản quyền những giải lớn như EURO, World Cup không chỉ là cú hích cho các cơ quan truyền hình, truyền thông để thu hút công chúng và mở rộng thị phần, mà còn là lời khẳng định cho đẳng cấp của thương hiệu. Đơn cử như ở Anh, nếu BBC muốn duy trì vị thế và sức hút trong làng truyền thông, việc phải có bản quyền như EURO là bắt buộc. Dù rằng với sân chơi lớn, cuộc đua bản quyền luôn khốc liệt, gắt gao và khó lường hơn, với sự tranh đua của nhiều đơn vị truyền thông.
Giá bản quyền EURO cũng là trở ngại không nhỏ. Bản quyền EURO 2020 từng được bán cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với mức giá không hề thấp. Các kỳ EURO trước đây, con số thường dao động tùy theo nhu cầu, cũng như định giá hình ảnh của các đơn vị nắm bản quyền. Năm 2008, VTV đã phải chi ra 2 triệu USD để có bản quyền phát sóng EURO từ FiveSport. 4 năm sau, cũng lại là FiveSport đưa ra mức giá gấp đôi năm 2008 và các đài tiếp tục đấu với nhau. Đến kỳ EURO 2016, mức giá bản quyền được chào bán ở Việt Nam lên tới 8 triệu USD. Trải qua một mùa Euro 2020 ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hẳn Euro 2024 sẽ có nhiều biến động về giá bản quyền.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam ngày nay, bóng đá vẫn có sức hút và vị thế riêng biệt, là thể loại sự kiện có thể tập hợp, thu hút sự chú ý cùng lúc của hàng chục triệu người trước máy thu hình. Dù bóng đá thời hiện đại bị cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí, nhưng vẫn duy trì nét hấp dẫn riêng biệt, đặc biệt với người hâm mộ Việt Nam đã quen “ăn bóng đá”, “ngủ bóng đá” trong những ngày hội thể thao lớn như World Cup hay EURO. Bóng đá vẫn là chất keo gắn kết, là món ăn tinh thần không thể thiếu, dẫn đến câu hỏi “chúng ta có bản quyền giải đấu này không” luôn gây tò mò và hồi hộp, để rồi chỉ được giãn ra khi có một đơn vị truyền hình mua thành công bản quyền, để chắc chắn giải đấu sẽ hiện diện trên máy thu hình của mọi nhà.
Bóng đá, hay thu hẹp phạm vi hơn là bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia càng có chỗ đứng rất riêng. Trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia Bae Ji-won (từng làm trợ lý thể lực dưới thời HLV Park Hang-seo) nói rằng bóng đá ở đội tuyển quốc gia là “phản chiếu” của niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến cho đất nước, vốn là khoảng trời rất riêng, khác với bóng đá cấp độ CLB. Tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo là “gia vị” của các giải bóng đá lớn nhất thế giới. Đặc biệt ở châu Âu, nơi các đội tuyển có cả một thế kỷ đối đầu đầy rẫy duyên nợ, bóng đá càng thoát ly khỏi khía cạnh chuyên môn, mà trở thành một thứ “tôn giáo” ở lục địa già.
Với sức hút lớn, các đơn vị truyền hình thường bắt đầu cuộc cạnh tranh bản quyền từ rất sớm, phải liên tục đấu giá, đàm phán và chứng tỏ năng lực tài chính cũng như sản xuất để giành lấy quyền phát sóng. Dù còn 7 tháng nữa mới tới EURO 2024, nhưng đã có 67 quốc gia xác định được chủ nhân bản quyền sân chơi bóng đá lớn nhất châu Âu. Trong đó, có 43 quốc gia châu Âu và 24 nước ngoài châu Âu. Việc các quốc gia nằm ngoài lục địa già sớm sở hữu bản quyền EURO là con số rất đáng khích lệ, mà Việt Nam là một trong số đó.
Hiện tại, Bản quyền EURO 2024 ở Việt Nam chưa có thông tin chính thức nhưng TV360 đã có bản quyền phát sóng trọn vẹn các trận đấu vòng loại của EURO 2024. Người hâm mộ được phục vụ “bàn tiệc” bản quyền từ món khai vị (vòng loại) còn chỉ đang chờ đợi món chính (vòng chung kết) và món tráng miệng (các chương trình đồng hành), nhờ vậy cảm giác tận hưởng giải đấu sẽ trọn vẹn và đọng lại lâu nhất.
Ngay cả các trận đấu ở vòng loại EURO 2024 cũng có sức hút riêng, như cuộc thư hùng giữa Anh và Ý (mà người Ý phải chờ đến phút chót mới giành vé đi tiếp), những bất ngờ mang tên Albania, Romania, sức mạnh của ứng viên vô địch như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ. Đây là bước đệm hoàn hảo cho vòng chung kết, nơi trọn vẹn các trận đấu. Liệu TV360 có tiếp tục là đơn vị nắm trọn vẹn nhịp thở của EURO 2024 từ điểm xuất phát đến ngày hạ màn.